Vui buồn chuyện cưới

Thứ hai, 31/08/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Kết hôn là chuyện trọng đại, vì lẽ đó mà việc tổ chức tiệc cưới đối với nhiều người trở nên cầu kỳ, xa xỉ và không kém phần phô trương, đặc biệt trong thời buổi thị trường, kinh tế phát triển, đời sống tinh thần và vật chất của người dân đã được nâng cao. Tuy nhiên, có nhiều đôi uyên ương cũng vì “một đêm huy hoàng” để rồi sau tuần trăng mật là đến những ngày “dập mật” vì trả nợ, thậm chí là xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Nhà hàng tiệc cưới - công nghệ hái tiền

Cũng như các TP lớn trong cả nước, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng, việc kinh doanh nhà hàng tiệc cưới (NHTC) phát triển rầm rộ. Anh Trần Thanh Dũng (trú Q.Thanh Khê), chủ một NHTC ở khu đô thị (KĐT) mới Nguyễn Tri Phương cho biết: “Trước đây, tôi buôn đá chẻ Hòa Sơn - Hà Nội và TPHCM, nhưng chỉ đủ sống qua ngày. Thấy việc kinh doanh NHTC ngày càng có khách, tôi thuê đất tại KĐT mới này để làm nhà hàng, trong đó phục vụ cả tiệc cưới. Mới chỉ 5 năm, nhưng tôi đã mua được miếng đất này”. NHTC của anh Dũng ít tên tuổi, lại ở xa khu vực trung tâm mà đã như vậy thì với những NHTC tên tuổi, nằm ở trung tâm TP, lợi nhuận thu được sẽ lớn hơn gấp bội. Vì “siêu lợi nhuận” mà dịch vụ NHTC mọc lên nhan nhản, tạo nên cuộc đua quyết liệt.

Đơn cử, nhiều người trước đây chỉ đơn thuần mở tiệm ăn, quán cà-phê, nhà hàng ăn uống... nay đã chuyển sang kinh doanh NHTC chuyên nghiệp như: Phì Lũ, Kim Đô, 4U... Nhiều khách sạn lớn như Saigon Tourane, Bạch Đằng, Phương Đông, Daesco, Đà Nẵng, Sông Hàn, Faifo... trước đây chỉ đơn thuần kinh doanh khách sạn kèm theo dịch vụ ăn uống thì nay cũng bung ra kinh doanh NHTC. Tất nhiên, “buôn có bạn, bán có phường”, kinh doanh NHTC ở Đà Nẵng vì vậy cũng có hẳn một “phố cưới”, đó là tuyến đường 2-9 đoạn từ bùng binh 2-9 - Nguyễn Văn Trỗi đến Đài Tưởng niệm TP. Đoạn đường chỉ vài trăm mét nhưng có đến vài chục NHTC với đủ loại từ bình dân đến cao cấp với nhiều kiểu kiến trúc, phong cảnh, trang trí hôn trường...

Trong đó, NHTC thường xuyên được đặt tiệc có Phú Gia 1, Phú Gia 2 và một số NHTC khác. Phong cách tiệc cưới đậm chất Việt có NHTC Hương Cau, phong cách Trung Hoa có Phì Lũ, phong cách Châu Âu có 4U, King’Palace,... Để cạnh tranh, các doanh nghiệp, chủ nhà hàng không ngừng đầu tư mở rộng và nâng cấp mặt bằng tổ chức tiệc cưới với nhiều phong cách mới lạ. Chẳng hạn, chủ NHTC Phì Lũ mở thêm NHTC mang phong cách Châu Âu là Golden Phoenix; Cty CP Kim Đô mở thêm NHTC mới Queen’Palace sau khi đã có nhà hàng King’Palace. Mới nhất ở “phố cưới” này là Trung tâm Hội nghị và tiệc cưới 4U Palace vừa khai trương.

Một đám cưới được tổ chức ở nhà hàng (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: P.H 

Tiệc cưới xa xỉ - khổ mình, khổ người

Ngày cưới là ngày trọng đại trong đời mỗi người nên càng được chú trọng. Song, nhiều đôi uyên ương đã chỉ vì “một đêm huy hoàng” mà vung tay quá trán để sau tuần trăng mật lại đến những ngày “dập mật” vì trả nợ, thậm chí là xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Theo thời giá hiện nay, chi phí thuê NHTC “bèo” nhất cũng đến 70.000 đồng/phần ăn. Đó là chưa kể chi phí về bia, nước ngọt, quay phim, chụp ảnh, thuê xe, áo cưới... Cho nên chỉ cần số khách mời dự đám cưới từ vài trăm người trở lên thì tổng số tiền chi cho đám cưới sẽ lên đến 40 - 50 triệu đồng. Nếu đặt tiệc ở các NHTC sang trọng, số tiền chi cho đám cưới sẽ lên đến cả trăm triệu đồng.

Thực tế, nhiều đôi bạn trẻ thi nhau cưới ở những nơi cao cấp vì “thể diện”. Đám cưới xong, thay vì vui vẻ lại là một nỗi lo lớn: làm gì để trả nợ? Nhiều đôi uyên ương có mức thu nhập thấp nhưng với tâm lý chung đó nên đã cố xoay xở bằng mọi cách để có một đám cưới mà đôi khi những gia đình khá giả cũng phải ngó mắt trông nhau và trầm trồ thán phục. Chị C.T.P và anh T.Q.B, cùng là công nhân một nhà máy tại KCN Hòa Khánh đến với nhau sau những giờ tan ca. Cả hai người đều siêng năng làm việc nhưng tổng thu nhập mỗi tháng chỉ gần 3 triệu đồng.

Để minh chứng cho tình yêu lâu bền sau 3 năm vun đắp tình yêu, hai người tổ chức đám cưới linh đình mà những đồng nghiệp công nhân cũng không dám mơ tới với tổng chi phí lên đến gần 100 triệu đồng, lễ cưới tổ chức tại một trong những nhà hàng sang trọng bậc nhất ở Đà Nẵng. Để có được tiệc cưới linh đình này, tất nhiên là không thể dựa vào đồng lương ít ỏi của hai người mà anh T.Q.B. đã phải bán đi mảnh đất gia đình cho. Sau những ngày vui ngắn ngủi, giờ thì anh B. cảm thấy nuối tiếc không biết bao giờ mới mua lại được mảnh đất ấy để ra riêng tự lập.

Một trường hợp khác là vợ chồng chị N.T.T. (trú Q. Hải Châu) có chồng xuất thân trong một gia đình khá giả nên được gia đình bên chồng cho mượn tiền để chi phí cho toàn bộ hôn lễ nhằm thể hiện phong cách chơi đẹp của nhà chồng với hơn 70 bàn tiệc tại một nhà hàng sang trọng trong TP với giá mỗi bàn là 1,5 triệu đồng. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, sau đám cưới rình rang, hai vợ chồng chị T. phải bắt đầu “kéo cày” trả nợ. Đó chỉ là hai trong số nhiều trường hợp các cặp đôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải cật lực lao động để trả giá cho ngày vui của đôi mình.

Thương tâm hơn là vợ chồng anh A. ở xã H. Nghe hàng xóm kể lại chỉ sau 1 tháng cưới nhau, hai vợ chồng đã lục đục mà nguyên do xuất phát từ việc họ “mạnh dạn” cầm sổ đỏ vay tiền ngân hàng để tổ chức tiệc cưới linh đình cho bằng anh bằng chị. Kết quả, sau tiệc cưới, vợ chồng anh A. lâm vào cảnh nợ nần đầm đìa, lại thêm anh A. thất nghiệp, vợ cũng mất việc dẫn đến xung khắc. Rồi một ngày anh A. uống rượu không làm chủ được mình đã ôm vợ bung quả nổ tự tạo để tự sát. Hậu quả, anh A. chết tại chỗ, còn vợ anh vượt qua được cơn nguy kịch nhưng mang thương tật suốt đời. 

Tuy nhiên, bên cạnh những đám cưới nặng về hình thức, hiện nay việc tổ chức đám cưới tập thể đang được tuyên truyền và không ít bạn trẻ đã chọn hình thức này như một giải pháp hữu hiệu cho kinh tế của gia đình tương lai. Ngày cưới là ngày trọng đại của đôi uyên ương và của cả hai họ, tổ chức đám cưới phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và truyền thống văn hóa của dân tộc là cách tạo thêm niềm vui và có ý nghĩa thật sự.

Phạm Hoàng