Vùng biên ngày trở lại

Thứ năm, 25/12/2014 08:31

(Cadn.com.vn) - Không còn nằm rải rác, lẩn khuất trong những cánh rừng già, giờ đây, nhiều ngôi làng của đồng bào các dân tộc ít người ở H. Tây Giang (Quảng Nam) đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng khang trang nhưng không kém phần hoang sơ, độc đáo. Thôn Dầm (xã Tr'Hy, H. Tây Giang) là một trong những ngôi làng nơi biên viễn độc đáo đó.

Từ trung tâm xã Tr'Hy, muốn vào đến thôn Dầm phải đi bộ nửa ngày đường. Con đường mòn men theo những sườn núi, có đoạn chỉ vừa lọt một người đi, phía dưới là vực sâu thăm thẳm. Dốc nối dốc, tiết trời mùa đông nhưng áo đẫm mồ hôi. Giữa rừng tuyệt nhiên không một bóng người. Chốc chốc, những con chim đang kiếm ăn ven rừng thấy người đập cánh bay vút vào không trung...

Ngôi làng quần tụ bên nhau giữa miền biên viễn.

Nằm ngay trên ngọn đồi vừa mới được san ủi, thôn Dầm bốn bề được rừng già che chắn. Giữa lưng chừng núi, thôn Dầm có gần 50 nóc nhà sống theo kiểu quần tụ. Giữa làng là nhà gươl truyền thống vừa được dựng. Thấy khách lạ đến thăm làng, dân trong làng nào canh măng rừng, thịt chuột núi, hoa chuối rừng đem đến nhà Bí thư Chi bộ, già Coor Hạt, cùng nhau đãi khách. Trời mùa đông mây giăng khắp núi, mới chưa đến 5 giờ chiều sương mù đã sà xuống nóc. Bên bếp lửa bập bùng ngay giữa nhà, chủ khách quần tụ bên mâm cơm với can rượu được cất bằng mật ong, những đặc sản chỉ có ở núi rừng vùng biên.

Từng là bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bước chân của già Coor Hạt đã in dấu khắp miền biên viễn này. Về già, Coor Hạt làm Bí thư Chi bộ thôn nên những chủ trương chính sách của cấp trên được triển khai xuống, già là người tiên phong. Bên bếp lửa mùa đông lạnh ấm, già Hạt cho biết: Những năm gần đây, bằng nhiều cách làm sát với thực tế, H. Tây Giang đã hoàn thành tái định cư tập trung ở 61/70 thôn, với hàng nghìn hộ đồng bào Cơ Tu dọn về nơi ở mới. Thôn Dầm là một trong những số đó. Để có nơi ở mới khang trang, sạch đẹp, có gươl sinh hoạt văn hóa như thế này, ngoài nguồn hỗ trợ hàng tỷ đồng từ Chương trình 30a của Chính phủ, hơn 50 hộ đồng bào Cơ Tu nơi đây đã đồng lòng hy sinh quyền lợi của mình để cùng với Nhà nước san ủi mặt bằng, dựng nhà, lập vườn.

Theo quan sát, tại thôn Dầm, ngoài các công trình phục vụ dân sinh như điện, nước, trường học, trạm y tế được xây dựng thì mỗi hộ dân đều được hỗ trợ xây nhà vệ sinh riêng, do đó đã góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, cũng như phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Ngoài ra, chính quyền cũng cho xây dựng một khu chăn nuôi tập trung cho heo, gà... vừa vì heo đỡ phá, vừa vì họ không muốn không gian sống của mình bị bẩn, như lời lý giải của già Hạt. Quanh sân làng và dưới những ngôi nhà sàn, thứ duy nhất nhìn thấy chỉ có dấu chân người...

Tác giả bên ngôi nhà tại thôn Dầm.

   Sáng sớm, khí trời se lạnh, mây giăng cả núi rừng, mây sà xuống từng nóc nhà như chốn bồng lai tiên cảnh. Tiếng bước chân của những phụ nữ lũ lượt gùi cám heo đi về phía cuối làng để cho heo, gà, vịt... ăn. Những người đàn ông ngồi bên bếp lửa với những tách trà nóng nhâm nhi trước khi bắt đầu công việc cho ngày mới...

   Có đi mới cảm nhận được sự đổi thay nơi miền biên viễn này. Những ngôi làng tập trung được xây dựng như thôn Dầm là giải pháp sáng tạo trong việc tìm lối thoát nghèo ở miền núi Tây Giang. Những mô hình này không chỉ giúp đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình mà điều quan trọng là thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của họ... Và Tây Giang được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác quy hoạch, sắp xếp bố trí dân cư ở miền núi Quảng Nam.

Nói như ông Phạm A, Phó Chủ tịch UBND H. Tây Giang: Khi vẫn còn khá nhiều địa phương miền núi của tỉnh chưa tìm được hướng đi đúng trong công tác bố trí sắp xếp quy hoạch dân cư, thì ở Tây Giang công tác này đã thật sự phát huy hiệu quả. Gươl sinh hoạt văn hóa ở trung tâm làng, những ngôi nhà vững chắc kiên cố bao quanh, đi cùng với đó là hệ thống điện thắp sáng, đường bê-tông, nước sinh hoạt..., mang đến cho đồng bào Cơ Tu một cuộc sống mới tốt hơn. Và từ đây, phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng cuộc sống mới gắn liền với bảo tồn văn hóa của đồng bào đã, đang và sẽ tiếp tục đi lên. Đồng nghĩa với đó, những ngôi làng mới như những cột  mốc trải dài dọc miền biên viễn...

Trần Tân