Kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương:

Vùng đất được đánh thức

Thứ hai, 19/12/2016 10:00

(Cadn.com.vn) - Nhiều người đã  nói  như thế về Sơn Trà - vùng đất nằm giữa một bên là sông, một bên là biển của TP Đà Nẵng. Có đặt chân đến đây mới cảm nhận hết sự thay đổi nhanh chóng đến không ngờ của một vùng đất mà vài chục năm về trước rất nghèo khó, ảm đạm, đã từng được mô tả là “Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hàn, nước xanh như tàu lá...”. Giờ đây, những dấu ấn buồn bã đó đã dần phai nhạt, thay vào đó diện mạo đô thị mới hiện đại đang từng ngày làm thay đổi cảnh quan môi trường và cuộc sống của người dân nơi đây. Có người mới đi xa Sơn Trà chưa lâu, khi quay lại đã gần như lạc lối giữa những mê cung đường phố dọc ngang, nhà cao tầng chen kín.

Đường Võ Nguyên Giáp là một trong những tuyến đường đẹp nhất ở Q. Sơn Trà.

Theo thống kê của quận Sơn Trà, trong 20 năm qua, TP Đà Nẵng  đã phê duyệt 426 dự án các loại trên địa bàn Q. Sơn Trà,  đến thời điểm hiện nay đã cơ bản hoàn thành 379 dự án. Nhiều quy hoạch kết cấu hạ tầng được thành phố tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện đã biến Sơn Trà từ một vùng đất hoang sơ, cả quận chỉ có vài con đường nhỏ đã xuống cấp thành một đô thị hiện đại với các tuyến đường rộng lớn, thênh thang như: đường Trần Hưng Đạo, Lê Đức Thọ, Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Hoàng Sa và hàng trăm tuyến đường mới được mở theo kiểu bàn cờ trong các khu dân cư (KDC) được đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng bao gồm: đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng và cây xanh.  Nhiều tuyến đường cũ như: Nguyễn Công Trứ,  Nguyễn Duy Hiệu, Phạm Cự Lượng, Nguyễn Phan Vinh, Phan Bá Phiến... cũng được quy hoạch cải tạo, mở rộng và nâng cấp, nhiều KDC được xây mới và chỉnh trang... Ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng UBND Q. Sơn Trà cho biết: Các dự án phát triển hạ tầng của Q. Sơn Trà được hình thành đã giải quyết cơ bản việc cải tạo cảnh quan chung, giải quyết được nhu cầu đất tái định cư của người dân các vùng giải tỏa; giao thông đi lại thuận lợi và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Các tuyến đường được mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang đồng bộ đã giải quyết được nạn ngập úng và ô nhiễm môi trường vốn trước đây là nỗi khổ dai dẳng của nhiều KDC.

Để có được diện mạo đô thị hiện đại như hiện nay, khó có thể kể hết những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Q. Sơn Trà để vượt qua những khó khăn, trở ngại, cùng chung quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp trong suốt 20 năm qua. Ông Nguyễn Kim Tân, Phó trưởng Ban Dân vận Quận ủy Sơn Trà, nguyên Trưởng Phòng quản lý đô thị Q.Sơn Trà từ những ngày đầu quận mới thành lập đầu năm 1997 vẫn nhớ rõ, mỗi năm trung bình quận triển khai khoảng 10 đến 15 dự án các loại, có năm tới vài chục dự án. Có thời kỳ đi đến đâu cũng gặp những dự án đang  triển khai, cả địa bàn quận như một công trường lớn. Theo ông Tân, cái khó lớn nhất trong việc triển khai dự án không phải là vấn đề kinh phí mà là... lòng dân, đã nói đến việc mở đường, xây dựng KDC mới là động chạm đến những quyền lợi  thiết thân của mỗi người dân, nếu không giải quyết chu toàn, thấu đáo mọi việc, người dân không ủng hộ thì dự án khó triển khai và hoàn thành đúng tiến độ được...”, ông Tân nói. Có những thời điểm cả hệ thống chính trị từ quận đến phường phải căng sức cùng đơn vị thi công là Ban Quản lý dự án Bạch Đằng Đông bám địa bàn, bám dân, làm công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được những lợi ích khi dự án được triển khai không chỉ làm đẹp phố, đẹp phường, thuận tiện cho giao thông mà cuộc sống của người dân cũng ngày càng khởi sắc. Khi đã có được sự đồng thuận, đã tìm được tiếng nói chung  giữa chính quyền và người dân thì những việc khó tưởng chừng không thể vượt qua đã được giải quyết một cách nhanh chóng. Nhiều hộ dân sẵn sàng bàn giao hàng ngàn mét vuông đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp cho Nhà nước để triển khai các dự án và bản thân gia đình họ cũng được tái định cư trong các khu đô thị mới, dọc những con đường lớn.  Cuộc sống nghèo nàn, khốn khó xưa kia cũng dần lùi xa, nhiều người đã mở được doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn; sử dụng những phương tiện, tiện nghi hiện đại mà trước đây họ chưa từng nghĩ đến.

Xa rồi cái thời “đường không số, phố không tên”, hiện nay Q. Sơn Trà có hàng trăm con đường đẹp và hiện đại đã được đặt tên và gần 15.000 nhà dân được gắn biển số nhà. Thực hiện Đề án Phát triển cây xanh đô thị và Đề án Xã hội hóa Phát triển cây xanh đô thị TP Đà Nẵng, quận đã phát động các cơ quan, trường học, KDC ra quân thực hiện “Tết trồng cây”, huy động nhiều tổ chức cá nhân trên địa bàn trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, tạo bóng mát trên vỉa hè,  trong khuôn viên các nhà máy, khu công nghiệp, khu xử lý nước thải, khu du lịch, KDC trên địa bàn. Nhiều công viên, vườn hoa được tiếp tục cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang; quận cũng đang kêu gọi đầu tư các khu công viên vườn dạo, khu vui chơi giải trí cho trẻ em trên địa bàn quận đã được UBND thành phố chọn địa điểm.

Có thể nói, quy hoạch phát triển đúng hướng đã góp phần thay đổi cơ bản cảnh quan đô thị, phát triển kinh tế, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của nhân dân Sơn Trà. Trên nền tảng vững vàng đó, Q. Sơn Trà đang hướng đến mục tiêu  trở thành một trong những quận có vai trò là trung tâm dịch vụ của thành phố Đà Nẵng, phát triển mạnh dịch vụ du lịch có chất lượng cao; có cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyển hàng hóa của thành phố, trong nước và quốc tế; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của thành phố, của khu vực miền Trung và cả nước.

K.Thanh