Vùng nông thôn mới Hòa Khương

Thứ năm, 07/09/2017 10:46

Cách đây 5 năm, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) còn khá xa lạ đối với người dân ở vùng đất bán sơn địa Hòa Khương (H. Hòa Vang, Đà Nẵng). Lão nông Ngô Lượng (thôn La Châu) nhớ lại: “Ngày trước, khi nói đến xây dựng NTM, tôi chẳng biết lợi ích gì và được hưởng lợi gì từ nó, chỉ nghĩ đó là chương trình mà Nhà nước đầu tư cho người dân sử dụng và người dân không phải đóng góp gì? Việc huy động vật chất, kinh phí làm NTM đã khó nhưng không khó bằng thay đổi nhận thức của bà con. Các chương trình, dự án tại địa phương trước đến giờ đều được Nhà nước tài trợ, do đó không ít người có tư tưởng trông chờ, ỷ lại”... Cách nghĩ đơn giản của người nông dân lúc đó cũng không sai, bởi đấy là hệ quả tất yếu trong quá trình trì trệ từ tư duy đến thực tiễn cuộc sống. Bây giờ khác rồi, đến đâu cũng nghe người dân xôn xao bàn chuyện làm giàu, chuyện đầu tư hạ tầng giao thông. Thời sản xuất manh mún nhỏ lẻ đã qua, ước ao “ăn ngon, mặc đẹp” của người dân đã trở thành hiện thực. Những con đường bê-tông chạy theo bước chân nông dân về từng ngõ xóm, vươn ra các cánh đồng mẫu lớn với năng suất lúa đạt từ 8-10 tấn/ha/vụ...

Người dân thôn Phú Sơn 2 thu hoạch thủy sản nuôi trồng.

Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí khẳng định: “Thành công nhất khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở địa phương là người dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư các mô hình trang trại với quy mô lớn, tập trung”. Khẳng định đó hoàn toàn có cơ sở, như việc hơn 100 hộ dân các thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2... tập trung phát triển các làng nuôi cá nước ngọt với diện tích mặt nước hơn 60ha. Việc nuôi cá nước ngọt được bà con nông dân triển khai từ lâu, song trước đây chỉ nuôi theo kiểu quảng canh, manh mún nên năng suất không cao. Chỉ đến khi địa phương triển khai Đề án xây dựng NTM thì mô hình nuôi cá nước ngọt thâm canh mới thực sự mang lại hiệu quả. Anh Phan Công Xuân (thôn Phú Sơn 2) cho biết, do có nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả, người dân lại không mấy “mặn mà”, bởi công sức bỏ ra nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Vì vậy việc “dồn điền, đổi thửa”, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản là hướng đi mới cần thiết. Mô hình nuôi cá nước ngọt ở địa phương bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, người nông dân đang làm giàu chính đáng trên phần đất của mình. Còn mô hình nuôi heo công nghệ cao của anh Nguyễn Duy Tuấn (thôn 5) với kinh phí đầu tư, xây dựng gần 2 tỷ đồng. Hệ thống chuồng trại được làm khép kín, các quy trình xử lý khoa học nên hầu như không có mùi hôi đặc trưng trong chăn nuôi heo. Nhờ đó, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người dân xung quanh; đồng thời giúp heo tăng trưởng nhanh...

Với quan niệm “cái gốc vẫn là sản xuất” nên vợ chồng ông Trần Văn Siêng (thôn Phú Sơn 3) đã mạnh dạn đề nghị chính quyền địa phương cho phủ xanh diện tích 7 sào đất không người canh tác ven sông Yên. Nhiều người biết chuyện can ngăn, bởi gia đình ông cũng đâu có nhiều lao động... Tuy nhiên, qua bàn tay chai sần, sức lao động bền bỉ của vợ chồng ông, mảnh đất bỏ hoang đó giờ đã có màu xanh của các loại rau quả. Dù diện tích trồng rau không nhỏ, nhưng nhờ biết cách phân phối nên chưa có khi nào sản phẩm của ông Siêng bị ế. Vào vụ thu hoạch, hàng ngày gia đình ông cung cấp cho các tư thương gần 150kg rau các loại. Với 7 sào rau ăn quả, mỗi năm, vợ chồng ông lãi bình quân từ 40-50 triệu đồng... Nhiều nông dân ở đây còn nói vui, chưa thấy ai “có gan làm giàu” như vợ chồng ông Siêng. Mùa mưa lũ, trong lúc các cánh đồng vùng trũng thấp trong khu vực cũng như các địa phương lân cận đều dừng sản xuất thì vợ chồng ông lại đánh đố với thời tiết. Cụ thể, ông “liều lĩnh” xuống giống 4 vòm rau, nếu trời không lụt thì kiếm thêm 10 triệu đồng, còn lụt thì mất toi 3 triệu đồng giống cùng phân bón. May mà mấy năm qua, không có trận lũ lụt nào ra trò nên cơ hội “làm giàu” của vợ chồng ông Siêng thêm dài ra...

Ông Trần Văn Siêng dày công chăm sóc các vườn rau ăn quả.

Đi, tìm hiểu và nghe nông dân Hòa Khương kể chuyện xây dựng NTM đã đọng lại trong chúng tôi biết bao niềm vui, người nông dân đã bước đầu làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì mô hình kinh tế bền vững. Song, cái chính là họ biết suy tính, chịu khó “dầm mưa, dãi nắng” gắn bó với ruộng vườn, mạnh dạn phá bỏ nếp nghĩ cũ và biết tích lũy, thể hiện tinh thần vì xóm làng, vì vùng đất mình đang sống... Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, NTM còn chính là cuộc cách mạng xóa bỏ tâm lý sở hữu tư nhân và sở hữu trọn đời vốn ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của người dân nông thôn. Xây dựng NTM không chỉ là thay đổi cách làm mà còn phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ông Cao Phán - Bí thư chi bộ thôn Phú Sơn 1 cho rằng, đạt chuẩn NTM đã khó, tuy nhiên việc giữ vững các tiêu chí lại càng khó hơn. Với các tiêu chí đã làm được rồi thì cần phải phát huy tính hiệu quả, tiếp tục chú trọng vào chất lượng để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa người dân nông thôn với nội thành.

VY HẬU