Vùng nông thôn năng động
Nói đến vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) là nói đến một vùng đất đã chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh. Bom tấn, pháo bầy và bao mưu toan đen tối nhất mà kẻ địch đã không ngần ngại gieo xuống mảnh đất này. Những con số lạnh lùng: 899 Bà mẹ VNAH, 6.637 liệt sĩ, 1.050 thương bệnh binh, 746 người bị địch bắt tù đày... đã đủ cho thấy cái giá của một ngày bình yên hôm nay là không có gì sánh nổi.
Cầu Diêu Phong được xây mới thỏa lòng mong ước của người dân vùng sâu, miền núi 2 xã Hòa Nhơn - Hòa Phú. |
Trong ký ức của ông Phùng Sự (70 tuổi, thôn La Châu, xã Hòa Khương), dòng sông Yên quê ông không dài, không rộng nhưng lại thấm đẫm dấu ấn của thời gian, ghi nhận những chiến công oai hùng của một thời đánh Mỹ, bảo vệ quê hương. Thế hệ của ông lớn lên vào đúng giai đoạn lịch sử ấy. Kẻ cuốc, người cày, chài lưới ven sông đều thoát ly tham gia cách mạng. "Ngày ấy, đêm đêm ven bờ sông Yên luôn vang tiếng cuốc, xẻng của người dân trong thôn đào hầm bí mật và giao thông hào dài gần 3km dọc sông để khi có "động tĩnh" là quân ta an toàn rút lui qua bờ sông bên kia. Chính vì vậy mà bao lần bọn giặc đánh úp vào các căn cứ cách mạng của ta đều thất bại. Sau khi phát hiện vai trò của dòng sông Yên, bọn Mỹ điên cuồng dùng các phương tiện hiện đại và bộ binh tăng cường càn quét hai bờ sông Yên cũng như bắn phá các điểm nghi cơ sở cách mạng về đóng quân", ông Sự trải lòng.
Còn ở bên kia sông Yên, làng An Trạch (xã Hòa Tiến) cũng luôn chìm trong khói lửa chiến tranh, những tưởng người dân sẽ bỏ làng, bỏ xứ ra đi. Nhưng không, họ vẫn một lòng chung thủy với quê hương, trụ bám để làm những cơ sở cách mạng kiên trung và không ít người đã ngã xuống trên mảnh đất đã sinh ra mình. "Thời ấy, dân làng gần trăm hộ luôn bị địch đóng ở đồn Lệ Sơn sách nhiễu, vì vậy họ phải nếm trải những cuộc bắt bớ giam cầm, quản thúc. Sự kìm kẹp, hà khắc, đàn áp của bộ máy ngụy quyền không làm lay chuyển ý chí quật cường của dân làng mà chỉ gieo rắc thêm nỗi căm hờn. Đêm bị quản thúc, sáng họ trở về làng cần mẫn với công việc đồng áng mưu sinh, tranh thủ thời gian đào hầm dọc các lũy tre, ủng hộ cách mạng", bà Đặng Thị Tuyết (68 tuổi) nhớ lại.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong lòng người dân vùng ven này vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng hào hùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Không chỉ riêng những người trực tiếp cầm súng, mà hầu như ai đã từng đi qua một thời bom đạn đó cũng đều có cảm giác hân hoan, tự hào. Chiến công, thành tích cho dù bé nhỏ nhưng hòa trong dòng chảy lịch sử cũng đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của đất và người Hòa Vang kiên cường.
Nông dân thôn Phú Sơn 1 (xã Hòa Khương) cải tạo đất sản xuất không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. |
Đất nước thống nhất, Hòa Vang là vùng nông thôn "4 không": không đường, không điện, không trường, không trạm; nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo lên đến 70-80%. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương phải vượt qua mọi khó khăn, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia khai hoang phục hóa, tháo gỡ bom mìn, làm phong trào thủy lợi, thâm canh tăng vụ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Và có lẽ, những lớp người cao tuổi như ông Sự, bà Tuyết mới cảm nhận hết sự đổi thay của quê hương theo thời gian, đời sống mọi mặt ở nông thôn bây giờ đã được nâng lên rõ rệt; nhất là 10 năm trở lại đây khi địa phương triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. "Từ trong cái nghèo, cái khó người dân đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình sản xuất. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, các con ăn học thành đạt. Nông thôn mà được như vậy là đủ đầy lắm rồi", anh Nguyễn Tám (thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn) phấn khởi bộc bạch.
Hôm nay, đi trên những con đường liên thôn, liên xã, đường giao thông nội đồng được bê-tông hóa hay những chiếc cầu vĩnh cửu kết nối sinh hoạt, sản xuất cho người dân vùng sâu vùng xa, miền núi; chúng tôi hiểu rằng, mỗi tấc đất Hòa Vang đã phải đổi bằng mồ hôi, công sức và máu xương của nhiều người đi trước. Nhìn lại chặng đường đã qua, một khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng đó lại là quãng thời gian để người dân nông thôn sáng tạo, cần cù và chắt chiu rút dần khoảng cách với người dân thành thị. Và rõ ràng bằng "ý Đảng, lòng dân" cộng hưởng thành sức mạnh nội sinh để người dân Hòa Vang ngày thêm năng động, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mình.
VY HẬU