Vững vàng nơi đầu sóng (Kỳ cuối: Đồng lòng giữ chủ quyền biển đảo)

Thứ sáu, 12/10/2018 10:21

Xác định biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc không thể tách rời nên việc giữ chủ quyền luôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu đối với các lực lượng chấp pháp làm nhiệm vụ trên tuyến biển.  Trong khi đó, những cán bộ cứu hộ hàng hải và mỗi ngư dân đánh bắt trên biển cũng là "cột mốc" can trường, góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng...

BĐBP TP Đà Nẵng cứu hộ 1 tàu cá của ngư dân trôi dạt ngoài biển vào bờ.

Vững vàng trên sóng nước

Nhắc đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014, ông Vũ Đức Tạo, Biên đội trưởng tàu kiểm ngư (KN) vùng 4 bảo rằng: "Chúng ta chung tay gìn giữ chủ quyền, song phải hết sức tỉnh táo, không mắc mưu khiêu khích và không để xảy ra xung đột. Trên biển, các lực lượng thực thi nhiệm vụ dù đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhưng một khi Trung Quốc còn vi phạm chủ quyền, chúng ta luôn quyết tâm giữ biển đảo quê hương". Nhờ giáo dục, quán triệt tốt chủ trương của đảng, bản lĩnh của từng CBCS trên các tàu cảnh sát biển (CSB), KN, biên phòng (BP) rất vững vàng.

Hành động ngang ngược của các tàu Trung Quốc trên biển Hoàng Sa ai cũng nhìn rõ. Minh chứng là hàng chục tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam từng bị hư hại, nhiều cán bộ bị thương trong lúc làm nhiệm vụ. Dẫu vậy, các chiến sĩ trên tàu vẫn kiên cường. Chung ý chí, gần 1.000 tàu cá của Việt Nam vẫn vững tay lái vươn khơi  hướng ra Hoàng Sa đánh bắt. Ai cũng hiểu, Hoàng Sa là máu thịt, là tất cả những gì thiêng liêng nhất của mình. Họ cùng với cán bộ CSB, KN, BĐBP luôn tay nắm chặt tay, ngày lại ngày chia nhau con cá, cọng rau để tiếp tục cuộc hành trình đấu tranh đòi chủ quyền.

Chúng tôi cảm động trước hình ảnh đầu bếp Nguyễn Xuân Tâm trên tàu Kiểm ngư HP 926 pha từng gói mì tôm cho phóng viên báo chí lót bụng lúc nửa đêm khi mọi người tác nghiệp; san sẻ bó rau với các tàu cá đánh bắt trong đêm. Tâm bảo: "Làm "anh nuôi", em chỉ giúp các nhà báo, ngư dân được vậy thôi. Các anh và bà con ngư dân phải ăn uống đầy đủ mới có sức khỏe cùng cán bộ KN, CSB, BĐBP tiếp tục đấu tranh đòi công lý". Tâm kể: năm 2010, lúc vợ còn 5 ngày là sinh con đầu lòng cũng là lúc em nhận nhiệm vụ lên đường đến với Trường Sa. Một tháng sau trở về, Tâm mong sớm được vào bếp nấu cho vợ bữa cơm, nhưng rồi lại nhận nhiệm vụ mới trên biển, tạm gác lại niềm vui đoàn tụ. Ngày 5-5-2014, Tâm nhận nhiệm vụ từ Hải Phòng vào Đà Nẵng để đến Hoàng Sa cùng biên đội tàu thì 3 ngày sau đó vợ sinh con thứ 2. Trong cuộc điện thoại chớp nhoáng về nhà trước khi ra khơi, Tâm đã khóc khi vợ mở lời động viên chồng phải cố gắng cùng tập thể biên đội tàu hoàn thành nhiệm vụ giữ biển đảo quê hương.

Chúng tôi hiểu, đó là sự đồng lòng, cũng là niềm động viên để những người lính vững vàng trên sóng Hoàng Sa. Chứng kiến hành động ngang ngược của hàng loạt tàu Trung Quốc, ông Vũ Đức Tạo luôn quả quyết: "Các lực lượng chấp pháp đang làm nhiệm vụ trên biển trước sau như một, khẳng định Hoàng Sa là chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam. Việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan hạ đặt ở khu vực phía Nam đảo Tri Tôn thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước về Luật Biển năm 1982. Chúng tôi sẽ quyết tâm gìn giữ chủ quyền, không để Trung Quốc thực hiện được ý đồ của mình". Ngày chúng tôi rời tàu về đất liền, ông Tạo gửi gắm đến đồng bào cả nước: "Bà con nhân dân hãy tin tưởng vào lực lượng chấp pháp và ngư dân đánh bắt trên biển. Chúng tôi sẽ luôn đoàn kết và chắc chắn, cuộc đấu tranh chính nghĩa sẽ hoàn toàn thắng lợi"...

 Các lực lượng chấp pháp làm nhiệm vụ trên biển chia sẻ thực phẩm với tàu ngư dân. 

Son sắt tình quân - dân

Theo những "thủ lĩnh" của lực lượng CSB, BĐBP, KN, khu vực tuần tra kiểm soát trên biển rộng bao la, gần như ngày nào cũng có tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta... Tội phạm buôn lậu, vi phạm lãnh hải cũng nhiều, họ lợi dụng màn đêm, thời tiết xấu để hoạt động. Do đó, cùng với nhiệm vụ tuần tra thường niên, các lực lượng phải dựa nhiều vào "tai mắt" ngư dân. Thượng tá Nguyễn Văn Qua, Hải đội trưởng Hải đội 2 - BĐBP Đà Nẵng cho hay, trước mỗi chuyến ra khơi của ngư dân, chiến sĩ BP phụ trách địa bàn đều tìm đến động viên, chúc chủ tàu có một chuyến đánh bắt bội thu hải sản, giúp bà con vững niềm tin vươn khơi bám biển. Cùng với đó, vận động ngư dân thực hiện tốt các quy định đánh bắt trên biển, đồng thời cùng các lực lượng chấp pháp chủ động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển.

Nói về mối quan hệ "quân dân cá nước", Thượng tá Qua chia sẻ: "BĐBP luôn xem ngư dân là đồng đội. Hàng chục năm qua, ngư dân luôn giúp đơn vị trong việc nắm bắt tình hình trên biển. Tính đến nay, toàn Đà Nẵng có 112/112 tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn với 734 tàu ký cam kết thông tin liên lạc với BĐBP và các lực lượng chấp pháp làm nhiệm vụ trên biển. "Mỗi năm, có hàng chục vụ việc liên quan đến tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền, hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất nổ, chất ma túy, buôn lậu... trên biển được ngư dân tố giác, giúp BP có đầu mối đấu tranh, bắt giữ. Phải nói rằng, ngư dân trên biển cũng chính là lực lượng tiên phong nơi tuyến đầu của Tổ quốc, thể hiện chủ quyền quốc gia và là "tai mắt" quan trọng giúp BĐBP và các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình" - Thượng tá Qua nói.

Đúng là mỗi ngư dân trên tàu cá là một "cột mốc sống" tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển, giúp lực lượng tuần tra hiểu rõ hơn về tình hình ANTT ngoài khơi. Tính riêng giai đoạn từ 2009 đến 2018, ngư dân cung cấp cho BĐBP và các lực lượng khác như CSB, KN... 11.573 tin, trong đó có gần 9.200 tin có giá trị. Ngược lại, BĐBP luôn đồng hành cùng ngư dân. Theo Bộ Tư lệnh BĐBP TP Đà Nẵng, ngoài hỗ trợ cứu tàu ngư dân hư hỏng, trôi dạt do chết máy, bị tàu nước ngoài tấn công..., thời gian qua BĐBP đã hỗ trợ hiện đại hóa đội tàu vỏ thép, tàu công suất lớn với 84 tàu; hỗ trợ 605 máy thông tin liên lạc tầm xa, 575 trường hợp mua bảo hiểm thân tàu, 178 lượt tàu mua bảo hiểm ngư lưới cụ và mua bảo hiểm tai nạn cho gần 7.800 lượt người... Các đồn BP cũng duy trì bình quân mỗi tháng gần 300 phiên liên lạc trên hệ thống thông tin Icom với hàng trăm tàu cá trên biển mỗi tháng. Tổng kết giai đoạn 2009-2018, lực lượng BĐBP đã tham gia cứu nạn thành công 68 tàu cá với hơn 650 ngư dân bị nạn đưa vào bờ an toàn...

Lực lượng CSB luôn sát cánh cùng tàu ngư dân trên biển.

Theo Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Vùng CSB 2, từ chương trình "CSB đồng hành cùng ngư dân", giai đoạn 2013-2018, lực lượng Vùng CSB 2 đã tổ chức tìm kiếm cứu nạn thành công 61 tàu cá với 596 thuyền viên gặp nạn trên biển khi đánh bắt; hỗ trợ lai kéo hàng chục phương tiện bị nạn của ngư dân Đà Nẵng và Quảng Ngãi; tham gia thực hiện 18 chuyến công tác xâm nhập địa bàn, xác minh 53/534 thuyền viên bị tàu nước ngoài bắt giữ... "Trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn cũng như chương trình CSB đồng hành cùng ngư dân, chúng tôi luôn quán triệt CBCS nêu cao tinh thần trách nhiệm với phương châm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là "mệnh lệnh trái tim", "cứu một người bị nạn như cứu chính người thân của mình. Ngược lại, chính ngư dân, những "cột mốc" trên biển, giúp CSB vùng 2 mỗi năm hàng trăm nguồn tin liên quan đến tàu cá nước ngoài có hành vi buôn lậu, xâm nhập trái phép chủ quyền biển đảo Việt Nam" - Đại tá Sinh nói.

Giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc luôn là nhiệm vụ của toàn đảng, toàn dân và toàn quân. Còn nhớ, sinh thời Bác Hồ từng căn dặn: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó". Và hôm nay, ở nơi đầu sóng, quân và dân ta đang thể hiện bản lĩnh vững vàng, một lòng chung tay giữ chủ quyền biển đảo.

Phóng sự: Công Khanh - Công Hạnh