WHO cảnh báo “không liều mình mở cửa”

Thứ tư, 27/05/2020 13:24

Quá nhiều rủi ro xảy ra càng khiến việc mở cửa trở lại thêm phức tạp, nhất là trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo làn sóng lây lan đầu tiên vẫn chưa kết thúc.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP

Brazil lần đầu vượt Mỹ số ca tử vong do Covid-19 trong 1 ngày

Brazil ngày 27-5 cho biết họ lần đầu ghi nhận số ca tử vong trong 1 ngày do Covid-19 cao hơn Mỹ - ổ dịch lớn nhất trên thế giới.

Theo Reuters, Brazil ghi nhận thêm 807 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, trong khi đó tại Mỹ con số này là 620. Brazil hiện là quốc gia có số ca bệnh nhiều thứ 2 trên thế giới, với 374.898 người, đứng sau Mỹ với 1,637 triệu trường hợp.  Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil cũng đã tăng lên 23.522, so với gần 100.000 ca của Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn cho rằng Covid-19 chỉ là “cúm thường” và thường xuyên xem nhẹ rủi ro.

Thế giới vẫn đang ở giữa đỉnh dịch đầu tiên

Nhiều lo ngại đặt ra khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Trung Đông tiếp tục thông báo nới lỏng hơn lệnh phong tỏa trong dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước chịu tác động lớn nhất của dịch bệnh ở Trung Đông, thông báo đã ghi nhận 987 ca nhiễm mới trong ngày 25-5, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 157.814 người. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng lên 4.369 người. Iran cũng đã cho phép mở cửa trở lại một số đền thờ Hồi giáo của dòng Shiite trên cả nước sau hơn 2 tháng đóng cửa nhằm kiềm chế dịch bệnh dù nước này đã ghi nhận thêm 2.023 ca nhiễm mới, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh lên 137.724 người. Số ca tử vong cũng tăng lên 7.451 người trong khi 107.713 trường hợp đã khỏi bệnh.

Hầu hết các ca nhiễm ở Ấn Độ, tập trung ở các bang phía tây Maharashtra, nơi có trung tâm tài chính Mumbai và Gujarat. Các con số cũng tăng lên ở một số bang nghèo nhất Ấn Độ ở phía đông khi những người lao động nhập cư bị mắc kẹt vì lệnh phong tỏa. Hiện nước này cũng đã nới lỏng các hạn chế. Các chuyến bay nội địa đã nối lại vào ngày 25-5 sau 2 tháng gián đoạn, mặc dù chỉ lưu thông ở quy mô nhỏ. Saudi Arabia, quốc gia cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, thông báo từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày 28-5 cho đến khi cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, người dân vẫn phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội và dựa trên những báo cáo y tế về tình hình dịch bệnh.

Tại Mỹ, bang California cũng đã nới lỏng hạn chế, cửa hàng bán lẻ được hoạt động trở lại. Các quy định mới được đưa ra giữa bối cảnh chính quyền bang đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các nhà thờ và thậm chí là sự thúc giục của Tổng thống Donald Trump đòi mở lại các nơi tổ chức nghi lễ tôn giáo và đưa nước Mỹ trở lại hoạt động thường nhật. Tại Châu Âu, người dân đang từng bước quay trở lại cuộc sống bình thường một cách chậm chạp và đầy lo lắng. Giao thông công cộng đang được nối lại mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế. Tại Australia, đã phát hiện học sinh mắc Covid-19 ngay sau khi đi học trở lại. Đài ABC cho biết, các phụ huynh đã được yêu cầu đến trường đón con về nhà.

WHO cảnh báo “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức”

Nguy cơ đỉnh dịch thứ 2 cận kề đang làm phức tạp các nỗ lực mở cửa của các quốc gia trên thế giới, khiến hàng triệu người mất việc tiếp tục khổ sở, khi các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới cảnh báo vẫn đang ở giữa đỉnh dịch đầu tiên.

Trong tuyên bố mới nhất, WHO cảnh báo các nước có thể đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu dỡ bỏ quá sớm những biện pháp phòng chống dịch nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp ở một số khu vực. “Ngay bây giờ, chúng ta không ở trong làn sóng bùng nổ thứ hai nhưng đang ở ngay giữa làn sóng bùng phát đầu tiên”, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO cho biết. Hiện tại, theo WHO, dù số ca mắc đang giảm ở nhiều quốc gia, nhưng tình trạng này lại gia tăng ở các khu vực Trung và Nam Mỹ, Nam Á và Châu Phi.

Lệnh cấm du lịch của Mỹ đã có hiệu lực từ ngày 26-5 cho người nước ngoài đến từ Brazil, nơi virus đang hoành hành và không có dấu hiệu giảm. Lệnh cấm ban đầu sẽ có hiệu lực vào ngày 28-5, nhưng sau đó được chuyển sớm hơn. Lệnh này không áp dụng cho công dân Mỹ. Nhấn mạnh thách thức trong việc ngăn chặn virus bùng phát, Ấn Độ  đã báo cáo một bước nhảy kỷ lục trong các ca nhiễm mới trong ngày thứ 7 liên tiếp. Nước này đã báo cáo 6.535 ca nhiễm mới hôm 26-5, nâng tổng số lên 145.380, bao gồm 4.167 ca tử vong.

KHẢ ANH

>> Trung Quốc lần đầu tiên bỏ mục tiêu tăng trưởng vì Covid-19

>> Mỹ - Trung: Covid-19 “đổ thêm dầu vào lửa”

>> Leo thang cuộc chiến Tổng thống Trump - WHO