Xã đảo vào mùa bão
(Cadn.com.vn) - Nằm tách biệt với đất liền, xã đảo Tam Hải (H. Núi Thành, Quảng Nam) được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp hoang sơ, tươi đẹp. Tuy nhiên, khi mùa mưa lũ đến cũng là lúc nơi đây lại bị cô lập hoàn toàn. Chuyến đò ngang đưa khách qua Tam Hải những ngày này thưa thớt dần vì mưa lớn. Bên kia sông những ngôi nhà co ro dưới rặng dừa nghiêng ngả, báo hiệu mùa bão sắp về.
Ngồi đợi ở bến đò là một nhóm phụ nữ đã luống tuổi, ai cũng tay xách nách mang. Hỏi ra mới biết vì sắp đến mùa bão nên tranh thủ đi Tam Kỳ mua sắm ít vật dụng mà trong xã không có bán. "Khoe" chiếc đèn hộp sạc điện vừa mua hết 90 ngàn đồng, chị Nguyễn Như Mai cười tươi: "Chuyện cúp điện bên ni là chuyện thường, nghe mấy người chỉ có loại đèn ni tốt lắm xài được tận 8 tiếng đồng hồ nên tôi đi mua liền 2 cái dự phòng. Ngó rứa chứ tới lúc cần là hiệu quả lắm nghe. Thời buổi công nghệ có khác".
Khác với chị Mai, bà Tám (64 tuổi) vừa đưa đứa con dâu ra nhà bà con ở Tam Kỳ ở nhờ để... chờ sinh. Bà Tám cho hay: "Ngày sinh còn xa nhưng vợ chồng nó tính trước chứ để lỡ mưa gió trở tay không kịp. Đứa cháu đầu nữa nên tôi phải kỹ cơ tí".
Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Sư (46 tuổi, thôn 1, xã Tam Hải) cởi mở cho biết: "Mùa mưa tới là khổ lắm. Đã không làm ăn chi được rồi còn phải lo chằng chống nhà cửa. Sau nhà tôi có cái lô cốt còn sót lại trong chiến tranh chống Mỹ nên tận dụng làm chỗ nấp luôn. Tuy có mùi ẩm và hơi chật chội tí nhưng lô cốt ấy rất đảm bảo, có hai lối thông để thoát hiểm. Thế vẫn hơn khối nhà cao tầng ấy chứ!".
Biển xâm thực tới gần rừng phòng hộ. |
Những hộ may mắn như chị Sư ở Tam Hải không nhiều, bởi không phải ai cũng có lô cốt trú bão và nằm sâu trong đất liền. Đa số người dân Tam Hải làm nhà ngay ven biển, thường xuyên đối mặt với những đợt sóng dữ, thường xuyên đối mặt với gió lớn, xâm thực. Có thể nói, tình trạng biển xâm thực ở Tam Hải ngày càng trầm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn đe dọa những đầm tôm trên địa bàn. Có những đầm tôm đầu tư hàng tỷ đồng đang dần bị xóa sổ. Trong vòng 10 năm qua tình trạng xâm thực đã diễn ra rất nhanh và mạnh. Biển đang dần "nuốt" đất đai, nhà cửa, cả kế sinh nhai của con người.
Trong số các thôn của Tam Hải, thôn 1 là thôn đông dân thứ nhì, có 540 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, hơn 70% hộ đều kinh doanh nuôi tôm thẻ. Anh Hải (người dân thôn 1) ngao ngán: "Tình trạng xâm thực này đã diễn ra lâu rồi nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Mỗi năm cứ đến mùa mưa bão là chúng tôi lại lo lắng. Biển xâm thực vào đất liền khiến những rặng liễu, rừng phòng hộ bị cuốn đi rất nguy hiểm. Cứ đến tháng 10, 11 khi có thông báo bão là những hộ nằm vùng ven như nhà tôi phải lo kiếm chỗ mà tránh, không thì...". Cùng mối lo lắng như anh Hải, gia đình chị Nguyễn Thị Lý có một đầm nuôi tôm thẻ bạc nằm cách biển 50m.
Chị Lý cho hay: "Kinh tế gia đình tôi phụ thuộc hết vào đây, tình trạng biển cứ lấn sâu vào đất liền như thế này không khéo sẽ tiến đến đầm tôm nhà tôi thì nguy". Ông Trần Đình Nam, trưởng thôn Thuận An, cho biết: "Năm 2013 cả thôn có 4 nhà tốc mái, 3 chiếc thuyền bị chìm, may mắn không xảy ra thiệt hại về người. Nhờ cán bộ thôn chủ động thành lập lực lượng phòng chống bão, chúng tôi huy động lực lượng khoảng 20 người đến từng hộ dân giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời các tàu thuyền, các lồng tôm cho kiên cố, vận động người dân không được ở lại các chòi giữ tôm khi bão đổ vào. Năm nào cũng phải chuẩn bị từ sớm như vậy mới mong giảm được thiệt hại".
Chị Sư với căn hầm trú ẩn còn sót lại từ thời chiến tranh. |
Đối với các lồng nuôi tôm của các hộ dân khi nghe thông tin sắp có bão đổ bộ vào người dân nhanh chóng thu hoạch bán trước 2-3 ngày. Khổ nỗi, những đợt tôm bán tháo bán lỗ như thế chẳng thu hồi lại được bao nhiêu mà có khi còn lâm nợ. Bởi vậy, sống trên xã đảo này người dân thường ví von sống kiểu "nửa mùa", bởi nửa mùa còn lại phải lo tìm cách chống thiên tai. Vấn đề này, ông Phan Như Tường, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hải xác nhận: "Năm nào cứ sắp đến mùa mưa bão xã đề xuất nhiều phương án giảm thiểu thiệt hại nhưng xã toàn giáp với biển nên sức tàn phá khủng khiếp. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác phòng tránh bão chú trọng, thường xuyên tổ chức buổi học, diễn tập phòng chống bão trước mùa mưa bão. Dự báo năm nay sẽ có nhiều đợt bão lớn nên chúng tôi luôn trong tâm thế phòng ngừa rủi ro".
Rời xã Tam Hải, văng vẳng bên tai là tiếng quạt nước của những đầm tôm đang vào cuối vụ. Cách đó không xa tiếng sóng biển vẫn gầm gào chỉ chực cuốn lên bờ. Những ngôi nhà co ro trong từng cơn gió thốc. Có đi và thấy mới hiểu được đời sống người dân ở những xã đảo như Tam Hải còn lắm cơ cực, nhất là khi thiên nhiên khắc nghiệt vẫn ngày đêm đe dọa đời sống con người.
Hà Dung - Chí Đại