Xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương là cần thiết và hợp lý

Thứ tư, 23/12/2015 09:41

(Cadn.com.vn) - Lãnh đạo thành phố vừa giao cho 3 đơn vị Sở Nội vụ, Sở VH-TT&DL và Sở Tài chính nghiên cứu Đề án xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương. Trên cơ sở đó, ngày 11-12, lãnh đạo Sở có Công văn 6306 yêu cầu Nhà hát phải báo cáo đánh giá toàn diện tất cả các hoạt động Nhà hát trong năm 2015 để có cơ sở trình lãnh đạo thành phố xem xét. Vậy thực tế Nhà hát Trưng Vương hoạt động ra sao?

Nhà hát Trưng Vương.

Nhà hát “khát diễn”

Theo tinh thần của Công văn 6306, ngày 22-12, Nhà hát Trưng Vương báo cáo đầy đủ hoạt động của Nhà hát. Bản báo cáo do ông Nguyễn Đình Thậm, Giám đốc Nhà hát ký nêu rõ hạn chế do đội ngũ cán bộ, viên chức, diễn viên người lao động có trình độ chưa đồng đều, số lượng vừa thừa vừa thiếu, không đồng bộ; một số cán bộ quản lý năng lực còn hạn chế, ít có khả năng học tập vươn lên... đã dẫn đến hiệu quả công việc không cao; chưa chủ động mời gọi nhiều công ty tổ chức biểu diễn trong toàn quốc, nhiều ca sĩ ngôi sao, nhiều diễn viên tài năng về biểu diễn tại Nhà hát; chưa chủ động xây dựng được nhiều chương trình trẻ trung hấp dẫn năng động đáp ứng thị hiếu khán giả; hệ thống âm thanh, ánh sáng đã xuống cấp trầm trọng.

Đặc biệt, năm 2015 số tiền thu được từ hoạt động biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc Nhà hát đạt 2,45 tỷ đồng, chiếm gần 90% doanh thu của đoàn năm 2015, tăng gấp 8 lần so với năm 2014, tuy nhiên số buổi biểu diễn của Đoàn lại không tăng. Nguyên nhân của việc tăng doanh thu là đoàn ký hợp đồng biểu diễn nghệ thuật lớn với các đơn vị. Ngoài ra, trong năm 2015, Đoàn ca múa nhạc Nhà hát tổ chức biểu diễn chỉ có 75 buổi (kể cả đoàn ca múa nhạc Nhà hát và đoàn các nơi khác đến thuê biểu diễn) với khoảng 50.000 lượt người xem. Qua đây cho thấy số buổi biểu diễn tại Nhà hát quá ít so với tầm vóc một Nhà hát lớn của thành phố. Cũng trong năm 2015, số buổi tổ chức sự kiện cũng ngang bằng với số buổi tổ chức biểu diễn tại Nhà hát.

Theo ý kiến của một nhạc sĩ cho biết, Nhà hát hầu như chỉ để tổ chức các lễ mít-tinh và cho thuê tổ chức sự kiện. Các chương trình ca nhạc, kịch rất thưa thớt, có tuần không có đêm diễn nào. Hầu hết các chương trình lớn về giải trí đều do những đoàn từ Hà Nội vào hoặc TPHCM ra biểu diễn. Theo ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Đà Nẵng, với dân số gần 1 triệu người, chưa kể mỗi năm gần 4 triệu lượt khách du lịch đến, nhưng chỉ duy nhất có 2 nhà hát (Nhà hát Trưng Vương và Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), tỷ lệ nhà hát trên dân số quá ít, lại càng quá thiếu so với một thành phố có lượng khách du lịch quá lớn như thế.

Tuy nhiên hoạt động của nhà hát quá ít ỏi; lịch tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm cho các Cty, các đơn vị khác đến thuê biểu diễn nhiều hơn các chương trình ca múa nhạc tại Nhà hát; chương trình đơn điệu; đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên cồng kềnh, trong khi ngân sách rót ngày càng nhiều... Cũng theo ông Thương, Nhà hát được thành phố bỏ tiền xây dựng quy mô, tọa lạc tại một vị trí đẹp, với kiến trúc hiện đại, được thiết kế với tiêu chuẩn có thể tổ chức biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật giải trí góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và du khách. Tuy nhiên, Nhà hát hoạt động không tương xứng với tầm vóc, quy mô được đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và du khách...

Cần sớm xã hội hóa

Ông Nguyễn Thương nhấn mạnh: “Xã hội hóa Nhà hát là cần thiết và hợp lý, bản thân tôi từng đặt câu hỏi cho lãnh đạo ngành văn hóa du lịch rằng, Nhà hát Trưng Vương đã làm được gì để thu hút khách du lịch? Trong khi đó, chúng ta đi ra du lịch ở các nơi, có các show diễn tại các nhà hát hấp dẫn vô cùng, ai cũng muốn ở lại một đêm để xem cho bằng được! Ở nhiều nơi, Nhà hát vừa là điểm để người dân và du khách thưởng thức các món ăn tinh thần sau những ngày làm việc căng thẳng cũng là địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch, thậm chí là điểm giải trí  để các công ty lữ hành đưa vào tour để giới thiệu quảng bá cho du khách. Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng chưa làm được điều này. Tuy nhiên, quan điểm của tôi thì Nhà hát Trưng Vương phải làm ra sản phẩm, không thể để cả tháng trời chỉ có một vài buổi ca hát nhỏ lẻ là không ổn. Do đó, phải nhanh chóng xã hội hóa chứ không thể sống theo kiểu ngửa tay ra chờ nhà nước rót tiền rồi mới hoạt động như lâu nay là không được”.

Ông Q., chủ một đơn vị giải trí lớn tại Đà Nẵng cho biết, hơn 13 năm từ khi Nhà hát mới đi vào hoạt động hầu như không có chương trình nào để lại ấn tượng trong lòng khán giả, trừ các chương trình của các đơn vị ngoài thuê biểu diễn. Nguyên do, đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng không có sức hấp dẫn người xem, không đầu tư sâu cho chương trình, thiết bị âm thanh, ánh sáng, ghế ngồi lạc hậu, không phù hợp với Nhà hát lớn. Đã nhiều lần thuê mặt bằng Nhà hát làm chương trình ca nhạc, ông Q. cũng tiết lộ, mặc dù bảng giá cho thuê công khai từ 20-25 triệu đồng/đêm nhưng trên thực tế nếu thuê vào cuối tuần thì giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với giá công khai nhưng cũng phải thuê vì nếu không tổ chức vào cuối tuần, lượng vé bán ra không hết sẽ lỗ. Đó là chưa kể Nhà hát đòi hỏi từ 100-150 vé VIP như là thông lệ... Do vậy, chỉ có xã hội hóa hoặc thay đổi mô hình thì Nhà hát mới có sự bứt phá được.

Xuân Đương