“Xà xẻo” rừng thông hàng chục năm tuổi
Được ví như “lá phổi xanh” của TP Pleiku (Gia Lai), nhưng giờ đây những rừng thông hàng chục năm tuổi ở khu vực phía Tây phố núi này đang bị tàn phá nghiêm trọng. Đặc biệt, từ khi tuyến đường tránh đô thị Pleiku đi qua, giá đất rẫy khu vực này tăng cao đã kéo theo tình trạng phá rừng thông để lấn chiếm đất rừng xảy ra khó kiểm soát. Gần như mỗi đám rẫy gần rừng thông đều xuất hiện tình trạng ken cây, chặt phá nhưng chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc Biển Hồ (Gia Lai) vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Một khoảnh rừng thông bị bức tử. |
Chỉ cần đi trên tuyến đường tránh đô thị Pleiku đoạn qua xã Gào (TP Pleiku, Gia Lai) đã bắt gặp cảnh rừng thông bị triệt hạ. Những khoảnh rừng thông bị vàng úa, những gốc thông bị đốt phá hiện ra trước mắt bất kể ai đi qua đoạn đường này. Ngay bên chân cầu Ia Ey (xã Gào), từ con đường đất dẫn vào rẫy của người dân, chúng tôi không khỏi chua xót khi nhiều khoảnh rừng thông từ 20-30 năm tuổi bị chặt thân, đốt gốc đang héo rũ hoặc đã chết khô. Chỉ một khoảnh nhỏ tiếp giáp với rẫy cà-phê của người dân, hàng trăm cây thông đã bị chặt phá. Thậm chí những cây thông đường kính khoảng 40cm cũng chịu chung số phận.
Càng đi sâu vào bên trong, tình trạng tàn phá rừng thông càng dày đặc hơn. Từ những cây thông đã chết từ lâu đã bị cưa hạ đến những thân cây thông đang ứa nhựa chờ chết. Thậm chí, kẻ xấu còn gom tất cả những thân cây thông đường kính từ 20-30cm thành đống rồi đốt nhằm xóa dấu tích. Cạnh những thân cây thông bị cưa hạ, ngã xuống là những hố được người dân đào lên và thay thế đó là những hố cà-phê vừa được đào xới. Thậm chí, nhìn xa phía bên kia cả một vạt rừng thông cũng héo rũ vì bị xâm hại nghiêm trọng.
Tiếng máy cưa, tiếng chặt đẽo vẫn thi thoảng vang lên bên trong những cánh rừng thông kia. Chúng tôi cũng bắt gặp cảnh người dân mang cả xe công nông vào khu vực này để khai thác, chặt những cành, thân cây thông bị khô mang về nhà làm củi. Điều khó hiểu là những cánh rừng thông bị xâm hại nằm sát với tuyến đường tránh đô thị Pleiku nhưng tình trạng ken cây, đốt cây vẫn không bị ngăn chặn triệt để. Với diện tích rừng thông nơi đây đan xen kiểu “da báo”, thế nên gần như những nơi rừng thông tiếp giáp với rẫy người dân cũng bị “xà xẻo” kiểu tương tự. Từ những đường nhánh rẽ vào rừng thông, chúng tôi bắt gặp hàng chục điểm ken chết cây thông cùng một thủ đoạn: chặt phá, đốt gốc, cưa hạ rồi đốt phi tang.
Những cây thông bị đốn hạ và thay vào đó là những hố cà-phê mới được trồng. |
Theo thống kê chưa đầy đủ của BQLRPH Bắc Biển Hồ, có 80 đối tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng với diện tích gần 26ha. Nhiều đối tượng lấn chiếm đã tiến hành trồng tiêu, cà-phê, keo. Toàn bộ diện tích lấn chiếm đều lấn vào rừng thông ba lá thuộc rừng sản xuất và thậm chí là cả rừng phòng hộ. Nhiều đối tượng đã trồng cây trái phép trên đất lâm nghiệp từ năm 2017 đến nay, một số diện tích khác thì vừa mới được trồng xen vào những cánh rừng thông bị tàn phá. Dù tình trạng phá rừng thông lấy đất sản xuất xảy ra nhiều điểm và trong thời gian dài, nhưng BQL này cũng mới chỉ xử lý được như “muối bỏ bể”. Mới đây, tại lô 10, khoảnh 8, Tiểu khu 356 (địa phận xã Ia Kênh, xã Gào) thuộc lâm phần BQL này cũng bị xâm hại với hơn 3.400m2 rừng thông ba lá đã bị chặt phá.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tất Thành- Phó trưởng Ban phụ trách BQLRPH Bắc Biển Hồ, thừa nhận: Do những diện tích rừng thông tại khu vực này gần với đất rẫy sản xuất của người dân khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn khi địa bàn rộng, việc phá rừng diễn ra manh mún và lén lút, chưa kể ý thức người dân vẫn chưa được cao.
“Trước mắt, đơn vị phối hợp với cơ quan kiểm lâm, UBND các xã, phường tăng cường TTKS để phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi ken cây thông để lấn chiếm đất sản xuất. Qua đó, chúng tôi cùng với chính quyền địa phương phát hiện, lập biên bản xử phạt một số đối tượng về hành vi phá rừng thông này. Đồng thời, chúng tôi phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân sống xung quanh khu vực rừng thông hiểu được tầm quan trọng của rừng và không chặt phá, ken cây. Đối với diện tích rừng bị xâm lấn, chúng tôi cũng kiên quyết thu hồi để trồng lại rừng”, ông Thành nói.
Dù thế, đến thời điểm này, tình trạng tàn phá những khu vực rừng thông thuộc lâm phần của BQLRPH Bắc Biển Hồ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Lo ngại hơn, việc xử lý thiếu triệt để đã và đang khiến những cánh rừng thông được xem là “lá phổi” của TP Pleiku bị tàn lụi dần.
MINH TÂN