Xác định hạn mức đất ở theo quy định của luật đất đai mới nhất
*Bạn đọc hỏi: Chị Q., ở TP Hội An (Quảng Nam), hỏi: Gia đình tôi đang sinh sống trên mảnh đất có diện tích 300m2, tại một phường ở Hội An. Nguồn gốc lô đất này được tổ tiên, ông bà để lại cho bà nội tôi, chưa được đăng ký để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) nên giấy tờ về đất cũng chỉ có sổ mục kê ghi nhận mục đích sử dụng đất là đất thổ cư, cùng với tờ bản đồ 64 và các biên lai về việc sử dụng đất. Hiện nay, khi tôi thực hiện thủ tục đăng ký để được cấp sổ đỏ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo đất của nội tôi chỉ được cấp hạn mức 200m2 đất ở và 100m2 đất trồng cây lâu năm. Tôi không hiểu quy định về hạn mức đất ở là như thế nào, mong Chuyên mục giải đáp giúp ?
*Luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng (Văn phòng Luật sư Phong & Partners) trả lời:
Hạn mức giao đất ở là gì?
Hạn mức giao đất ở là giới hạn tối đa về diện tích đất ở mà Nhà nước giao/công nhận cho cá nhân nhưng không thu tiền sử dụng đất.
Hạn mức giao đất ở theo Luật Đất đai 2024
Điều 141 Luật Đất đai 2024 quy định về Xác định diện tích đất ở khi công nhận quyền sử dụng đất như sau.
“Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 137 của Luật này mà trên giấy tờ đó có thể hiện mục đích sử dụng để làm nhà ở, đất ở hoặc thổ cư thì diện tích đất ở được xác định khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
1. Trường hợp thửa đất được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980, người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích được xác định như sau:
a) Thửa đất có diện tích bằng hoặc lớn hơn hạn mức công nhận đất ở mà trên giấy tờ về quyền sử dụng đất đã ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó; trường hợp diện tích đất ở thể hiện trên giấy tờ về quyền sử dụng đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở hoặc chưa ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định bằng hạn mức công nhận đất ở;
b) Thửa đất có diện tích nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở thì toàn bộ diện tích đó được xác định là đất ở;
2. Trường hợp thửa đất được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích được xác định như sau:
a) Thửa đất có diện tích bằng hoặc lớn hơn hạn mức công nhận đất ở mà trên giấy tờ về quyền sử dụng đất đã ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó; trường hợp diện tích đất ở thể hiện trên giấy tờ về quyền sử dụng đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở hoặc chưa ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định bằng hạn mức công nhận đất ở;
b) Thửa đất có diện tích nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở thì toàn bộ diện tích đó được xác định là đất ở;
3. Trường hợp thửa đất được hình thành từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ về quyền sử dụng đất;
4. Đối với phần diện tích đất còn lại của thửa đất sau khi đã được xác định diện tích đất ở theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều này thì được xử lý như sau:
a) Trường hợp đã xây dựng nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống thì được xác định là mục đích đất ở và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp đã xây dựng công trình sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ thì công nhận đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ theo diện tích thực tế đã xây dựng công trình; hình thức sử dụng đất được công nhận như hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài;
c) Trường hợp hiện trạng sử dụng là đất nông nghiệp thì được công nhận là đất nông nghiệp; nếu người sử dụng đất có nhu cầu công nhận vào mục đích đất phi nông nghiệp mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn thì được công nhận vào mục đích đó nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
5. UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện, tập quán tại địa phương quy định cụ thể hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với trường hợp sử dụng đất trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
6. Việc xác định lại diện tích đất ở của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp thửa đất ở có vườn, ao, đất thổ cư đã được cấp giấy chứng nhận trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 khi người sử dụng đất có nhu cầu hoặc khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện như sau:
a) Diện tích đất ở được xác định lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nếu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận trước đây có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6 và 7 Điều 137 của Luật này mà không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 137 của Luật này; người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích được xác định lại là đất ở.
Trường hợp người sử dụng đất đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất một phần diện tích đất ở của thửa đất hoặc Nhà nước đã thu hồi một phần diện tích đất ở của thửa đất thì khi xác định lại diện tích đất ở phải trừ đi phần diện tích đất ở đã chuyển quyền sử dụng đất hoặc thu hồi;
b) Phần diện tích đất của người nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hoặc phần diện tích đất Nhà nước đã thu hồi thì không được xác định lại theo quy định tại điểm a khoản này;
7. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 136 của Luật này có trách nhiệm xác định lại diện tích đất ở và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 6 Điều này”.
Theo đó, Luật Đất đai mới quy định về việc xác định hạn mức đất ở khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu là tuỳ thuộc vào nguồn gốc sử dụng đất và mục đích sử dụng đất đã được ghi nhận tại các giấy tờ về quyền sử dụng đất đã được cấp trước đó. Quy định mới liệt kê nhiều trường hợp xét công nhận/giao đất ở nhưng tựu trung, về nguyên tắc xác định hạn mức đất ở theo quy định tại Điều 141 Luật đất đai 2024 là chỉ công nhận/giao đất ở trong hạn mức trừ các trường hợp sau.
Trường hợp các giấy tờ về đất đã được cấp/lưu giữ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận diện tích đất yêu cầu công nhận là đất ở thì sẽ được công nhận toàn bộ là đất ở mà không áp dụng quy định về hạn mức.
Trong trường hợp diện tích đất yêu cầu công nhận nhỏ hơn hạn mức thì được công nhận là Đất ở mà không áp dụng quy định về hạn mức.
Luật Đất đai mới có quy định giao quyền quyết định cho UBND cấp tỉnh xem xét quyết định hạn mức công nhận đất ở cho các trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và từ ngày 18/12/1980 đến ngày 15/10/1993, sau khi căn cứ vào điều kiện và tập quán tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực thi hành và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng quy định này.
Ngoài ra, quy định về thẩm quyền quyết định hạn mức đất ở vẫn do do UBND cấp tỉnh quyết định và ban hành, áp dụng cho các địa phương trong phạm vi toàn tỉnh và không giống nhau ở các địan phương khác nhau, không khác so với quy định cũ.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425