Xây cầu vượt lũ cho người dân vùng sâu, vùng xa
Được biết, đập tràn An Châu là tuyến giao thông huyết mạch, nối liền thôn An Châu với Nam Thành (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) ra tuyến ĐH5 - nơi có nhiều học sinh trong thôn theo học tại Trường Tiểu học Hòa Thọ (xã Hòa Phú) và Trường THPT Ông Ích Khiêm (xã Hòa Phong). Do nằm trong vùng hạ lưu hồ Đồng Nghệ, vào mỗi mùa mưa lũ, nước băng qua đập tràn và chảy xiết nên người dân nơi đây bị cô lập với bên ngoài nhiều ngày. Người ốm đau không được đưa đi chữa trị kịp thời. Hàng hóa không lưu thông, không ít học sinh bậc tiểu học phải nghỉ học… Vì vậy, một cây cầu kiên cố thay thế đập tràn luôn là niềm mơ ước từ hàng chục năm nay của cư dân địa phương, không chỉ giúp việc đi lại thuận tiện, giao thương dễ dàng, mà còn trở thành những “chiếc phao” tinh thần, mở ra một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho người dân.
Theo ông Hai Sắc (thôn An Châu), trước đây, khi nghe thông tin Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây cầu, nhiều người dân nơi đây “bán tín, bán nghi”. Bởi, làm gì có dự án nào tốn ngần ấy tiền lại chỉ phục vụ cho cái thôn ở vùng sâu, vùng xa này. Đến khi thấy đoàn xe chở vật liệu, thiết bị tập kết ven đường Vành đai phía Tây, rồi dựng lều trại để công nhân tạm trú thi công, người dân mới tin đó là sự thật… Ông Bốn Hơn - người thường vận chuyển nông sản cung cấp cho chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) tâm sự: “Dù đi qua, đi lại cũng hơn 20 năm, nhưng thú thật lần nào chạy xe qua đập tràn, tui cũng nơm nớp lo. Không cẩn thận trượt ngã xuống nước lúc nào không hay. Cho nên, khi thấy công trình khởi công tui mừng quá, cứ dăm bữa nửa tháng lại ra xem cầu xây tới đâu. Từ nay, an toàn sinh mạng của các cháu học sinh và người dân trong khu vực không còn bị đe dọa mỗi khi mưa lũ về nữa”.
Bây giờ, đến bất cứ nơi nào ở thôn An Châu, chúng tôi cũng đều nghe nông dân bàn tán chuyện làm ăn, trồng cây gì, nuôi con gì và cả những thuận lợi, khó khăn. Người thì nuôi cá nước ngọt theo mô hình trang trại, ao vườn, người thì phát triển chăn nuôi gia súc, mở rộng diện tích giống cây trồng. Trưởng thôn Nguyễn Phan Bốn xác nhận, khi chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai thực hiện, cùng nhiều chính sách ưu đãi cho các hộ khó khăn như thêm một luồng sức sống mới, 120 hộ dân với 340 nhân khẩu trong thôn mạnh dạn cải tạo vườn tạp, thay đổi tập quán canh tác. Đất đồi, đất vườn được tận dụng phát triển trồng cây ăn quả, trồng rừng sản xuất.
Bây giờ ở thung lũng này đã có nhiều hộ nuôi cá nước ngọt với diện tích mặt nước gần 10ha, thu lãi bình quân từ 50-70 triệu đồng/ha/năm; 50 hộ làm nghề ươm giống cây keo sau khai thác với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương; đàn trâu, bò, dê trong thôn cũng lên gần 1.000 con… “Cầu An Châu đóng một vai trò rất quan trọng, bà con giờ qua lại khỏi phải lo mấy chuyện rơi xuống đập, ngã xe hay hư hỏng nông sản nữa, chuyện làm nông cũng an ổn hơn. Có cầu mới, cửa ngõ đi vào thôn thêm khang trang, hiện đại” - anh Bốn phấn khởi chia sẻ thêm.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lũ là nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao, chảy cuồn cuộn qua đập tràn An Châu, khiến người và các phương tiện lưu thông đều không thể qua lại được. Nếu muốn ra ngoài thôn thì phải bì bõm lội bùn lầy, đi đường vòng xa hơn chừng 3km mới đến được tuyến QL14G. Cầu An Châu thông thương thì chuyện về cái đập tràn liêu xiêu ngày nào cũng chỉ còn lại trong ký ức.
Người dân không chỉ thuận lợi trong việc lưu thông, sinh hoạt mà còn có thêm động lực, niềm tin yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo… “Điều đó cho thấy những nỗ lực đáng kể của các cấp chính quyền trong việc tạo dựng mối liên kết không chỉ đơn thuần về giao thông mà xa hơn nữa, là sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, mở ra nhiều cơ hội đổi thay, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn này” - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Lê Đinh Minh Hải cho biết.
Vy Hậu