Xây dựng thương hiệu "Thành phố môi trường"
(Cadn.com.vn) - Sau 20 năm chia tách, Đà Nẵng từ một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ giờ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với nhiều năm liền dẫn đầu về các chỉ số phát triển, trong đó có lĩnh vực môi trường. Nhiều du khách đến với Đà Nẵng, bạn bè trong nước và quốc tế có đánh giá tốt môi trường của Đà Nẵng bằng những từ trìu mến là "Thành phố môi trường".
Đà Nẵng đang phấn đấu để đạt thương hiệu "Thành phố môi trường" vào năm 2020. |
Quyết tâm từ chính quyền
Để có thể hiểu sâu hơn về quá trình xây dựng thành phố môi trường, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Điểu-nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP Đà Nẵng, người đã có hơn 20 năm gắn bó với công tác môi trường của thành phố. Khi tôi đặt câu hỏi về vấn đề xây dựng Đề án thành phố môi trường, ông Điểu đặt câu hỏi: vì sao cả nước không ai làm mà mình làm ? Vì, thứ nhất lúc đó chúng ta cần tạo ra một bước đột phá để khẳng định mình. Thứ hai là tài nguyên tự nhiên của mình lớn, cần phải bảo vệ. Và việc đặt ra vấn đề xây dựng Đề án thành phố môi trường năm 2008 chính là tự tạo áp lực cho mình phấn đấu xây dựng, bảo vệ thành phố trước những thách thức. Và cho đến hiện nay, khi chặng đường gần 10 năm trôi qua, bước đầu những kết quả của sự quyết tâm đó đã được thể hiện bằng kết quả khả quan. "Điều mà chúng ta có thể thấy rõ nhất trong sự thành công bước đầu này là nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường đã được nâng lên rõ rệt. Người dân tích cực hơn trong việc tự giác tham gia bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các DN trên địa bàn thành phố cũng đã chú ý hơn đến việc đầu tư các thiết bị, kiểm soát lượng chất thải, nước thải và đa phần đã xử lý trước khi xả thải ra môi trường"-ông Điểu nhấn mạnh.
Không ai phủ nhận những điều làm được về môi trường của Đà Nẵng, có thể kể ra như việc biến dòng kênh Phú Lộc từ một dòng kênh đen thành một dòng kênh xanh, hiền hòa với thảm cây xanh cùng hai tuyến đường chạy dọc từ Nhà máy xử lý nước thải Liên Chiểu ra đến bờ biển Nguyễn Tất Thành. Sự đổi thay đó có thể coi là một bước ngoạn mục, biến một khu vực ô nhiễm, tù đọng thành môi trường lý tưởng. Hay như Đà Nẵng đã biến khu vực Đầm Rong cũng từ một khu vực ô nhiễm trầm trọng thành một thảm thực vật, công viên xanh, làm nền cho nhiều khu dân cư chạy dọc P. Thuận Phước... Đặc biệt, trong công tác kêu gọi đầu tư, Đà Nẵng dù rất thông thoáng nhưng cũng đủ tỉnh táo để từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như dự án nhà máy thép 2 tỷ USD, dự án dệt may 200 triệu USD và nhiều dự án khác...
Trong buổi trò chuyện cùng chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 vừa qua, ông Michio Saruhashi-Giám đốc Cty TNHH Tokyo Keiki Precsion Technology-một trong hai Cty đang có dự án đầu tư tại Khu công nghiệp công nghệ cao Đà Nẵng kể: Đà Nẵng được ông coi như quê hương thứ 2 của mình bởi sau rất nhiều lựa chọn, tập đoàn ông đã quyết định đầu tư vào đây. Ông rất yêu Đà Nẵng bởi người dân thân thiện và môi trường sống trong lành. Ngày nào ông cũng đến bờ sông Hàn để dạo mát, thấy sông Hàn được quy hoạch rất đẹp và điều mong mỏi của ông là chính quyền thành phố cần duy trì kết quả đạt được và tiếp tục xử lý những điểm còn tồn tại về ô nhiễm môi trường để đưa Đà Nẵng thành thành phố môi trường đúng nghĩa.
Ông Nguyễn Xuân Anh-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng |
Người dân cùng vào cuộc
Một trong những thành tựu nữa về môi trường của Đà Nẵng đó là huy động được sức dân. Người dân Đà Nẵng có những việc làm vô cùng thân thiện và đơn giản đối với môi trường như: họ trồng thêm các chậu cây xanh trong nhà cho đến việc bố trí rào chắn quanh các gốc cây xanh để bảo vệ cây, tạo mỹ quan đô thị... Đặc biệt nhất là phong trào Ngày Chủ nhật Xanh-Sạch-Đẹp. Mô hình phong trào này đã được thành phố Đà Nẵng triển khai hơn 12 năm qua và nó đã dần hình thành nên một thói quen tốt, tính tự giác của người dân địa phương. Bà Huỳnh Thị Liễu Hoa-Phó Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng cho biết, sau 12 năm thực hiện, Phong trào Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp TP Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, là Phong trào điển hình, có những nét riêng, sức lan tỏa rộng và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. "Nét riêng của phong trào này không chỉ là nâng cao nhận thức, mà thông qua đó xây dựng cho mỗi cá nhân thói quen không thể thiếu là sống thân thiện và có trách nhiệm với môi trường. Chúng ta đang xây dựng thành phố môi trường, vậy nên thói quen ấy phải thật sự bền vững và thể hiện bằng những hành động cụ thể vào mỗi sáng Chủ nhật, chỉ cần 30 phút mỗi người chúng ta có thể đóng góp công sức của mình cho môi trường ở khu dân cư nơi mình sinh sống. Có như vậy, thành phố sẽ khang trang hơn, sạch đẹp hơn, đảm bảo vệ sinh môi trường và đẩy lùi các điểm không đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố"-Bà Huỳnh Thị Liễu Hoa nhấn mạnh.
Với sự nỗ lực trong bảo vệ và xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp, TP Đà Nẵng được vinh danh nhiều danh hiệu về môi trường như: Thành phố bền vững về môi trường ASEAN (2011), Thành phố phát thải carbon thấp (2012), là một trong 20 thành phố xanh-sạch-đẹp (2013), và là thành viên của "Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu" (2014)... Tuy nhiên, có thể nhìn nhận khách quan rằng, bên cạnh kết quả đạt được trong những năm qua, TP Đà Nẵng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức và áp lực to lớn do nhiều vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình phát triển KT-XH và đô thị hóa. Hiện nay và trong những năm tới, môi trường của TP Đà Nẵng sẽ chịu ảnh hưởng từ nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có thể kể đến vấn đề tăng dân số, nhất là dân số cơ học, kéo theo đó là nhu cầu nhà ở, nước thải, môi trường sống. Sự phát triển quá mạnh của cơ sở hạ tầng, nhà chung cư, nhà hàng, khách sạn... khiến các công trình xử lý nước thải đã được xây dựng những năm trước đây trở lên quá tải... Các điểm nóng ô nhiễm môi trường trước đây đã được xử lý nay lại tiếp tục trở thành điểm nóng về môi trường như: bãi rác Khánh Sơn, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh... Do vậy để có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng "Đà Nẵng-Thành phố môi trường" vào năm 2020, thành phố cần phải có một quyết tâm rất lớn, nhiều giải pháp quyết liệt hơn để xử lý các điểm nóng môi trường.
Để thể hiện quyết tâm này, ngày 8-11-2016, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có Quyết định số 7702 về việc "tăng cường xử lý các điểm nóng về môi trường" trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2016-2020 sẽ giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường đối với các điểm nóng như: KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và Âu thuyền Thọ Quang, KCN Hòa Khánh, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Hòa Cầm, Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng. Giai đoạn 2017-2018 sẽ giải quyết ô nhiễm tại các điểm nóng như: sông Phú Lộc, bãi rác Khánh Sơn (cũ). Giai đoạn 2018-2019, giải quyết ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn (hiện hữu), ô nhiễm khí thải do hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thép tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh. Ngoài các yêu cầu nêu trên, thành phố sẽ từng bước kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý của các Trạm xử lý nước thải đô thị tập trung, chất lượng nước tại các hồ... Hi vọng, với những chỉ tiêu cụ thể trên, vào năm 2020, Đà Nẵng sẽ xây dựng thành công thương hiệu Thành phố môi trường.
Nguyễn Tuấn