Xét xử phúc thẩm vụ 3 trẻ tử vong do tiêm nhầm thuốc: Gia đình bị hại kháng cáo xin giảm hình phạt cho bị cáo

Thứ hai, 21/09/2015 08:58

(Cadn.com.vn) - Ngày 17-9, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án 3 trẻ sơ sinh tử vong do tiêm nhầm thuốc tại Bệnh viện (BV) Đa Khoa H. Hướng Hóa (Quảng Trị) xảy ra cuối tháng 7-2013. Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Y sĩ Khoa sản Nguyễn Thị Thuận là người mở tủ lạnh lấy vaccine viêm gan B để tiêm cho 3 trẻ, nhưng đã lấy nhầm thuốc giãn cơ do ông Lê Huỳnh Sơn (nguyên Phó Phòng Kế hoạch- Tổng hợp) tự ý gửi vào tủ lạnh. Sau khi bà Thuận tiêm cho 3 trẻ sơ sinh thì các cháu đã tử vong. Trong vụ việc này, bà Trần Thị Hải Vân (nguyên Y tá trưởng khoa khám bệnh) là người được giao quản lý tủ lạnh đựng thuốc nhưng không hay biết có lọ thuốc do ông Sơn để vào.

Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử, tuyên phạt bị cáo Thuận 5 năm tù về tội "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp"; các bị cáo: Sơn 4 năm tù, Thiện 3 năm tù và Vân 3 năm tù treo cùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Sau khi bản án được tuyên, các bị cáo Thiện, Sơn và Vân đã có đơn kháng cáo, đồng thời 3 gia đình bị hại cũng đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin cho bị cáo Thiện và Sơn được hưởng án treo.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 17-9.

Bị cáo Vân có đơn kháng cáo kêu oan, vì cho rằng: Bị cáo đã để tất cả các loại thuốc vào các vị trí theo đúng quy định, theo đúng y lệnh. Cụ thể, tủ lạnh có 3 ngăn được quy định: ngăn 1 và 3 để thuốc của khoa khám bệnh, ngăn 2 để thuốc của khoa sản. Bị cáo khẳng định, thuốc giãn cơ do bị cáo Sơn gửi để ở ngăn 2, ngăn không thuộc sự quản lý của bị cáo nên bị cáo không có quyền kiểm tra, do đó không thể phát hiện được. Ngoài ra, bị cáo còn cho hay, quá trình kiểm tra thuốc ở ngăn 1 và 3 (ngăn được phép kiểm tra) thì không hề thấy có lọ thuốc giãn cơ nêu trên. Vậy nên nói lọ thuốc này để ở ngăn 1 là không có cơ sở. Không chỉ vậy, trong trường hợp giả sử cho rằng có việc bị cáo Sơn để thuốc vào ngăn 1 thì làm sao có việc bị cáo Thuận lấy nhầm thuốc (Theo quy định chung, thuốc của Khoa sản nằm ngăn 2- điều này bị cáo Thuận cũng đã khai nhận chỉ lấy thuốc ở ngăn 2). Vì những lý do này, bị cáo cho rằng việc kết án bị cáo thiếu trách nhiệm là làm oan bị cáo. Bị cáo cho biết thêm, bản thân bị cáo nhận thấy việc để thuốc chung trong một tủ lạnh như vậy là rất nguy hiểm nên đã có kiến nghị và BV cũng đã trang bị cho Khoa sản tủ lạnh riêng nhưng không hiểu lý do gì Khoa sản trả lại...

Trái chiều với lời khai của bị cáo Vân, bị cáo Sơn cho biết, khi bị cáo gửi thuốc không có Vân nên có xin phép bác sĩ Trường. Đặc biệt để mọi người không nhầm lẫn, bị cáo đã dùng bút ghi rất rõ chữ "Thuốc độc" xung quanh vỏ để cảnh báo và lọ thuốc này được để vào ngăn 1 của tủ lạnh. Bị cáo Sơn khẳng định, nếu lọ thuốc giãn cơ để ở ngăn 2 như bị cáo Vân khai thì đã bị đoàn kiểm tra bảo quản vaccine viêm gan B  vào ngày 18-7-2013 (trước thời điểm xảy ra vụ án) phát hiện và lập biên bản. Tuy nhiên, bị cáo cũng nhận thấy việc mình gửi thuốc như vậy là không đúng quy trình, là sai. Bị cáo Sơn kháng cáo xin giảm án và được hưởng án treo bởi bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ cần được áp dụng.

Còn đối với bị cáo Thiện, với cương vị là lãnh đạo BV, được ủy quyền quản lý hoạt động của BV nhưng khi đoàn kiểm tra bảo quản vaccine viêm gan B đã có kết luận chấn chỉnh: "Khoa sản gửi vaccine tại phòng khám chung với các sinh phẩm khác của phòng khám là không đúng quy định", bị cáo Thiện đã không kịp thời chấn chỉnh nên đã xảy ra sự nhầm lẫn đau lòng. Tại tòa, bị cáo Thiện cho rằng bản án sơ thẩm tuyên mức án 3 năm tù đối với bị cáo là quá nặng. Bị cáo xin cấp phúc thẩm xem xét giảm án và cho hưởng án treo. Theo bị cáo, sự việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát  của bị cáo, những lỗi này thuộc về nhân viên.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn trong việc khám, chữa bệnh trong BV, xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của người khác, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, làm mất lòng tin của nhân dân đối với ngành Y tế. Tuy nhiên, nhận thấy sự việc xảy ra một phần do yếu tố khách quan, BV Đa khoa H. Hướng Hóa còn khó khăn, nhiều lần đề xuất cấp trên quan tâm xem xét trang bị cơ sở vật chất nhưng chưa được đáp ứng. Xét mức độ vi phạm, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm mức hình phạt và cho hưởng án treo đối với bị cáo Sơn và bị cáo Thiện. Riêng bị cáo Vân kháng cáo với nội dung kêu oan, xét thấy không có căn cứ nên VKS đề nghị bác đơn kháng cáo đối với bị cáo Vân.

Sau khi xem xét, HĐXX TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định: Chấp nhận một phần đơn kháng cáo của bị cáo Thiện và nội dung kháng cáo của bị cáo Sơn, bác đơn kháng cáo của bị cáo Vân, sửa bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự. Theo đó, tuyên phạt bị cáo Thiện mức án 3 năm tù, bị cáo Sơn mức án 3 năm tù (giảm 1 năm tù) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; chuyển hình phạt từ án giam sang án treo đối với 2 bị cáo này; thời gian thử thách cho 2 bị cáo là 5 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Riêng bị cáo Vân, HĐXX tuyên giữ nguyên mức án 3 năm tù cho hưởng án treo cùng tội trên và thời gian thử thách cho bị cáo là  5 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Buộc BV Đa khoa H. Hướng Hóa tiếp tục bồi thường cho gia đình các bị hại Nguyễn Thị Nga, Trần Thị Hà, mỗi gia đình 143 triệu đồng.

Trang Trần