Xin lỗi cô thật nhiều !!!

Thứ sáu, 01/11/2024 08:40

Cô tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sử khi vừa 22 tuổi. Ra trường, cô về làm việc tại quê nhà. Là giáo viên mới ra trường, lại xinh đẹp nên không tránh khỏi những lời trêu chọc từ đám nam sinh lớp 12, trong đó có em…

Cao quý tình thầy - trò (ảnh minh họa).
Cao quý tình thầy - trò (ảnh minh họa).

Bọn con trai lớp 12A4 tụi em tinh nghịch như quỷ sứ, các thầy cô trung niên đều ngán ngẩm, huống hồ là giáo viên trẻ như cô. Lần đầu tiên cô bước vào lớp, cả đám con trai đã ồ lên, xôn xao bàn tán: "Cô giáo dạy Sử đẹp quá! Cô ơi, đừng bỏ lớp em nghen! Nhà cô ở đâu thế?...". Có đứa còn "chơi ác", lén ném "tàu bay" vào bờ vai cô khi cô đang viết bài trên bảng. Điều đó đã làm cô xấu hổ, đỏ mặt và chạy lên văn phòng hiệu trưởng. 5 phút sau, cả bọn nam sinh tụi em bị phạt đứng ngoài hành lang cho đến hết tiết học. Vậy mà tụi em nào có sợ. Khi cô bước ra khỏi lớp, tụi em còn huýt sáo theo ra vẻ khiêu khích. Cô lầm lũi bước đi, cố giấu vẻ xấu hổ, thẹn thùng…

Em nhớ có lần, chính em đã viết lên bàn giáo viên khi cô chưa vào lớp câu: "Cô ơi, cô dễ thương lắm! Cô có bạn trai chưa?". Vài phút sau cô bước vào, nhìn thấy những dòng chữ đó, cô giận tím mặt, hỏi ai là "tác giả" của trò chơi tinh quái này thì đứng lên. Cả bọn con trai im thin thít, không đứa nào dám cụ cựa (khẩu ngữ -P.V). Cô dò xét tình hình, cuối cùng cô phê: "Nếu các em nam không tự thú nhận, tôi sẽ phê mỗi người một điểm 0 cột kiểm tra miệng". Cả bọn con trai đưa mắt nhìn nhau… Rồi vì sợ xơi "trứng vịt", thằng Nam đã nói ra là em làm. Cô mời em đứng lên, hỏi rõ nguyên cớ. Em như bị sét đánh, đứng trơ ra đó mà không biết phải trả lời như thế nào. Chiều hôm đó, em nhận được thư mời của hiệu trưởng gửi về cho ba mẹ. Cầm thư mời trên tay, lòng em nặng trĩu, muốn xé đi cho xong, nhưng nghĩ lại thì thấy không ổn, vì nhà em cách nhà thầy hiệu trường chỉ 500m. Kết cục, em bị mẹ mắng té tát, ba đánh đòn, còn hạnh kiểm học tập bị hạ một bậc. Em hận cô, ghét cô rất nhiều!

Từ đó, em luôn tìm cách để trả đũa cô. Trong giờ học, em hay giơ tay thắc mắc này nọ, cốt là để tìm cách cho cô không trả lời được, dồn cô vào đường cùng. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như em muốn vì cô là một giáo viên am tường lịch sử, nên cái đầu hạn hẹp của em không thể nào "chọi" lại được cô. Thua keo này, em bày keo khác. Em xúi giục bọn con trai nghỉ học để gây áp lực cho cô thôi dạy lớp em, với lý do: Trình độ chuyên môn cô quá yếu, dạy không hiểu bài, hay đôi co với học sinh…. Ba mẹ các bạn em đều là Mạnh Thường Quân của trường, có những đóng góp lớn cho nhà trường, nên khi bọn bạn nghỉ học đồng loạt, thầy hiệu trưởng cũng…hoang mang. Cuối cùng, vì không muốn thầy hiệu trưởng khó xử, cô đã xin chuyển công tác sang trường khác.

Cô đi rồi, bọn em mừng lắm, còn tổ chức cả "tiệc" ăn mừng. Em u mê trong những suy nghĩ xuẩn ngốc của mình cho đến tận ngày hôm nay mới nhận ra cái lỗi lầm to lớn của mình. Đó là khi em cũng đứng trên bục giảng, dạy lớp 12. Học trò giờ tinh nghịch còn hơn bọn em ngày trước, nhất là các nữ sinh, kiếm cớ trêu chọc em - thầy giáo trẻ, đến đỏ mặt tía tai. Thực sự em không nghĩ mình chọn nghề giáo, nhưng do em yêu môn Toán quá, vả lại ba mẹ thích ngành sư phạm nên em phải nghe theo. Em đã tự cao, tự phụ để rồi giờ đây rơi vào hoàn cảnh giống như cô khi xưa. Cô ơi, giờ cô ở đâu, dạy trường nào, công việc có khó khăn như xưa không cô? Em đã nhận ra lỗi lầm của mình, nhưng không biết cô ở đâu để mà tạ lỗi. Em mong rằng cô sẽ đọc được bài viết này và tha lỗi cho em- đứa học trò tinh nghịch vô lối ngày nào. Cô ơi! Em xin lỗi cô và biết ơn cô thật nhiều!!!

Tháng 11 đã về! Một mùa Hiến chương Nhà giáo nữa cũng sắp đến gần. Tận đáy lòng, em kính chúc cô vui vẻ, hạnh phúc, dồi dào sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp "trồng người" cao quý!

Tản văn: Nguyễn Thanh Vũ

“Chuyến xe kế hoạch nhỏ - Phân loại rác thải gây quỹ giúp bạn” đến với 12 trường tiểu học

Sáng 29-10, tại Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức phát động nhân rộng thực hiện mô hình “Chuyến xe Kế hoạch nhỏ” - Phân loại rác thải, gây quỹ giúp bạn năm 2024. Mô hình được triển khai thực hiện tại 12 trường tiểu học trên địa bàn quận Sơn Trà.

Bốn học sinh ở Đắk Nông nhặt được của rơi, trả lại người mất

Sau khi nhặt được tiền bị đánh rơi trên đường, 4 em hoc sinh Trường THCS Nguyễn Bình Khiêm, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã trình báo với giáo viên chủ nhiệm rồi nhờ lực lượng Công an xác minh để trao trả lại cho người bị mất.

150 học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt phải học “ké” trường khác bao lâu nữa?

Không chỉ phải mượn phòng của trường khác để bố trí dạy - học cho 5 lớp với 150 học sinh, nhà trường còn phải “dẹp” các phòng bộ môn để sắp xếp tạm cho 4 lớp khác sau khi dãy nhà học 2 tầng gồm 10 phòng bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho thầy cô và các em.