Xót thương nòi giống
(Cadn.com.vn) - PGS. TS Trần Văn Thuấn - Phó giám đốc Viện K Trung ương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống Ung thư, trong lần trả lời phỏng vấn báo chí mới đây cho biết: toàn cầu hiện có khoảng 14,1 triệu ca ung thư mới mắc hàng năm và có khoảng 8,2 triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này. Trong đó, có tới 2/3 là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm cả Việt Nam.
Nước ta mỗi năm có khoảng 150 ngàn ca mới mắc và trên 75 ngàn trường hợp tử vong do ung thư. Số người tử vong cao gấp 7 lần so với TNGT. Cũng theo PGS Thuấn, bằng chứng khoa học chứng minh rằng, có tới trên 80% nguyên do gây ra bệnh ung thư là do môi trường bên ngoài bao gồm: thuốc lá, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và dùng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các thực phẩm có bảo quản thuốc thực phẩm. Có rất nhiều loại ung thư liên quan tới chế độ ăn uống gia tăng trong những năm gần đây. Ung thư đại trực tràng ở nam giới năm 2000 khoảng 11,4/100 ngàn dân thì 2010 đã lên tới 19,9/100 ngàn dân; ung thư vú ở nữ năm 2000 chỉ vào khoảng 17,4/100 ngàn dân thì năm 2010 đã lên tới 30/100 ngàn dân. Nghĩa là số ca bệnh ung thư tăng gần gấp đôi sau 10 năm.
Đồng hành với những con số lạnh lùng đó là nỗi đau đớn tột cùng của nhiều gia đình có người thân mắc bệnh, là nỗi lo lắng thường trực của mỗi gia đình trước mỗi bữa ăn, là nỗi bức xúc triền miên của người dân và trở thành vấn đề nóng ran cả nghị trường. Tại phiên chất vấn của ĐBQH về an toàn vệ sinh thực phẩm sáng 17-11 vừa rồi, ĐBQH Trần Ngọc Vinh, sau khi nói rõ rằng việc thực phẩm không đảm bảo an toàn có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm, ông đã khẳng định: “Có thể nói, con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!”.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta liên tục đối mặt với thực trạng các loại thực phẩm từ thịt, hải sản đến các loại trái cây... hầu như đều được tẩm các loại hóa chất. Những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm báo động đến mức phải thốt lên rằng, muốn né tránh “thực phẩm bẩn” chỉ còn cách nhịn ăn uống! Ngoài thị trường, các loại hóa chất để bảo quản thực phẩm, làm phụ gia thực phẩm, bất kỳ ai cũng đều mua được một cách dễ dàng, ngay cả những chất không có trong danh mục cho phép vẫn không khó khăn để mua. Chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát cũng thừa nhận, có tình trạng đưa chất cấm, chất độc hại vào sản xuất nuôi trồng. Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhưng từ việc triển khai, hướng dẫn sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ dân, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư và sản phẩm nông lâm thủy sản chưa thật sự sâu rộng để xử lý căn cơ. Nguyên nhân của thực trạng này lại được cho là do bộ máy quản lý giám sát, nguồn lực thực tế rất hạn chế.
Báo chí từng tốn quá nhiều giấy mực về chuyện mất an toàn vệ sinh thực phẩm, song thực tế thực trạng này vẫn hết sức nhức nhối, đang xâm hại trực tiếp đến sức khỏe của người dân và có nguy cơ ảnh hưởng đến giống nòi, điều này bức bách đòi hỏi các cấp chính quyền, các ngành chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt và hiệu quả. Trước hết, cần xem xét sửa đổi một số quy định trong Luật Hình sự để có cơ sở pháp lý và chế tài xử lý mạnh tay với những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Các đơn vị có chức năng xử lý, khi phát hiện các vi phạm phải kiên quyết xử lý đúng pháp luật, không được xuê xoa, nể nang.
Trong lúc chưa đủ điều kiện xử lý căn cơ các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, cần chú trọng phổ biến rộng rãi trong nhân dân về mối nguy hại của thực phẩm bẩn để mọi người, mọi nhà chủ động nhận biết chất lượng hàng hóa, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân sản xuất các sản phẩm an toàn.
Có một điều mà nhiều người tâm đắc, đó là việc khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, làm cho người dân hiểu biết, cảnh giác với các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc nhập lậu từ nước ngoài và hiểu rõ mối nguy hại khi sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vận động người dân không vì lợi ích cá nhân mà bất chấp hậu họa đối với tương lai con em mình. Chúng ta đã có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được những kết quả khích lệ, thiết nghĩ cũng rất cần cuộc vận động “Người Việt Nam nói không với thực phẩm bẩn” với mục đích tha thiết là để động viên tất cả mọi người chung tay bảo vệ sức khỏe và nòi giống dân tộc mình!
Nguyễn Đức Nam