Xót xa người mẹ vượt biên tìm con

Thứ ba, 03/09/2013 10:07

(Cadn.com.vn) - Chỉ trong một thời gian ngắn, cả hai đứa con gái đang còn tuổi đến trường học của anh chị đã bị lừa bán qua biên giới. Khóc cạn nước mắt, chị chấp nhận đưa mình vào tay bọn buôn người để lưu lạc xứ người với hy vọng tìm lại được hai cô con gái. Thế nhưng sau 5 tháng trải qua bao khổ ải, chị đành bất lực trở về với nỗi đau mất con...

Vượt biên đi tìm con...

Trước đây, chị Lô Thị Bình và anh Lô Văn Bình (trú bản Xốp Nhị, xã Hữu Lập, H. Kỳ Sơn, Nghệ An) cuộc sống tuy nhiều khó khăn nhưng khá hạnh phúc. Anh chị sinh được 3 người con (2 gái 1 trai) đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Thế nhưng tai họa ập đến với gia đình anh chị từ tháng 7-2011, khi cô con gái lớn Lô Thị Ngọc (1995), bỗng dưng mất tích một cách bí ẩn. Năm đó, trong thời gian nghỉ hè, Ngọc được bố mẹ cho xuống phụ giúp việc nhà cho một gia đình người thân trên địa bàn H. Tương Dương. Thế nhưng chỉ vài tuần sau khi rời gia đình, Ngọc bỗng dưng mất tích. Choáng váng khi nhận được thông tin, chị Bình vội vàng khăn gói đi tìm con khắp nơi trong huyện, trong tỉnh nhưng đành bất lực trở về với nỗi đau mất con. Về nhà, chị nghe người ta đồn con gái chị đã bị đối tượng xấu lừa bán qua Trung Quốc chị càng đau xót, tiều tụy.

Và rồi khi nỗi đau mất con gái lớn chưa vơi, đầu năm 2012, gia đình lại như chết lặng trước một sự thật nghiệt ngã, đớn đau khi cô con gái thứ hai là Lô Thị Ồn (1997), cũng bỗng dưng mất tích. “Tui từng nghe con bé nói sẽ đi tìm chị về sum họp với gia đình. Cứ nghĩ chắc nó nhớ con Ngọc nên mới nói thế. Không ngờ con bé đi tìm chị thật và bị kẻ xấu tiếp cận, lừa bán đi mất” - chị Bình nước mắt chảy dài.

Chị Bình khóc nức nở khi nhìn vào tấm hình gia đình.

Trong nỗi đau chồng chất, chị Bình vẫn luôn nuôi ý định sẽ tiếp tục tìm các con. Nghe ngóng thông tin, chị biết cả hai con gái mình đều bị một đối tượng ở xã Châu Khê, H. Con Cuông lừa bán qua Trung Quốc. Nhưng chẳng có bất kỳ bằng chứng nào nên chị không thể tố cáo đối tượng. Cuối cùng chị quyết định biến mình thành nạn nhân của đường dây đưa người qua biên giới để có cơ hội tìm con. Tháng 4-2012, chị Bình đã “bị” đưa qua biên giới Trung Quốc để làm thuê. Đôi mắt đỏ hoe, chị Bình kể lại câu chuyện đi tìm con: “Khi đi tui chỉ có được số tiền khoảng 1 triệu đồng. Sang đến Trung Quốc, tôi bỏ trốn khỏi bọn buôn người. Làm nhiều việc kiếm sống để có cơ hội dò hỏi thông tin về các con. Tôi cũng xin làm đủ mọi nghề, thay đổi địa điểm liên tục để có thể đến được nhiều nơi. Có lần, nếu may mắn thì tôi đã gặp được con Ngọc khi nghe một người Việt Nam mô tả về nó, rồi cho địa chỉ. Thế nhưng khi tìm đến thì chúng lại chuyển con bé đến một địa điểm khác mất rồi”.

Sau hơn 5 tháng lưu lạc xứ người, chịu cuộc sống khổ cực, tủi nhục với mong muốn tìm 2 người con nhưng bất thành, chị Bình đành tìm đường về quê.

Nỗi đau giằng xé

Những ngày lưu lạc xứ người trở về, chị Bình rơi vào trạng thái như người mất hồn. Hình ảnh hai đứa con kêu khóc luôn hiện hữu trong giấc ngủ của chị. Nhờ sự động viên của người thân, bà con lối xóm, chị dần bình tâm trở lại để chăm cho đứa con trai mới hơn 1 năm tuổi. Đến nay chị không từ bỏ hy vọng về con, chị viết đơn cầu cứu gửi nhiều nơi nhưng đều không nhận được sự phản hồi. Thời gian trôi qua, với bao lo toan của cuộc sống thực tại, người mẹ ấy vẫn nung nấu ý định tiếp tục tìm con. Mỗi khi trên địa bàn có người từ Trung Quốc trở về, chị đều tìm đến để dò hỏi nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng.

Rồi một đêm khuya Tết Nguyên đán năm 2012, chuông điện thoại nhà chị Bình đổ liên hồi. “Bốc máy lên, đầu tiên tôi chỉ nghe tiếng khóc nức nở, tôi đoán ngay là con Ngọc gọi về. Trong tiếng nấc, hai mẹ con chỉ nói được mấy câu ngắn ngủn, rồi máy nó tắt lịm. Nhưng dù sao tôi cũng như được sinh ra lần thứ hai khi biết cả 2 đứa đều đang sống” - chị Bình tâm sự. Một thời gian sau, cô con gái thứ 2 là Lô Thị Ồn cũng liên lạc được với gia đình. Cô bé cũng chỉ khóc và báo cho bố mẹ biết cả hai chị em đều đã lấy chồng người Trung Quốc. Ồn có chồng khi mới 15 tuổi, bởi cô nói với mẹ, lấy chồng tuy khổ nhưng có nơi nương tựa, còn không sẽ bị bán vào các động mại dâm.

Giờ đây, thỉnh thoảng cả Ngọc và Ồn đều gọi điện liên lạc với gia đình. Thế nhưng trong mỗi cuộc điện thoại đều chứa đầy nước mắt. “Chúng liên lạc về, mình biết được cả hai đứa đều sống. Nhưng nghĩ đến con lại phải chảy nước mắt. Bằng tuổi đó, bạn bè hai đứa còn đi học, vui chơi thoải mái. Còn chúng đã phải chịu cảnh lưu lạc, làm vợ, chịu cảnh lao động vất vả quanh năm nơi xứ người. Lần nào cũng vậy, chúng nói rất nhớ bố mẹ, nhớ nhà nhưng không biết phải làm sao. Đã nhiều lần bỏ trốn để tìm đường về nhà nhưng đều bị nhà chồng bắt, đánh đập nên không dám trốn nữa”.

Cầm tấm hình cả gia đình chụp chung, chị Bình nói với chúng tôi mà như hỏi chính mình, “liệu gia đình có bao giờ được sum họp như thế này nữa không?”.

T.Ba