Xử lý nghiêm hành vi đăng thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng về dịch COVID-19
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đang ngày một diễn biến phức tạp, khó lường. Trên “mặt trận” mạng xã hội, ngành chức năng và người dân lại phải đối diện với hàng loạt thông tin sai sự thật, trong đó có việc chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân về người bệnh mắc COVID-19.
Cơ quan chức năng làm việc với một cá nhân đăng thông tin sai lệch về dịch COVID-19. |
“Tay nhanh hơn não” gây nhiễu dư luận
Thời điểm trên địa bàn Nghệ An xuất hiện các ca bệnh mắc COVID-19, một số cá nhân đã chia sẻ, truyền đưa, tán phát các thông tin từ những nguồn không chính thức, thiếu kiểm chứng, sai sự thật, nhất là các thông tin cá nhân của người bệnh trên mạng xã hội.
Điển hình vào sáng 15-6, Công an TP Vinh phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Nghệ An triệu tập, làm việc đối với N.T.P.L - chủ tài khoản facebook “Phương Linh” về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật. Trước đó, ngày 14-6, qua nắm tình hình trên không gian mạng, lực lượng chức năng phát hiện tài khoản facebook “Phương Linh” đăng tải bài viết có nội dung liên quan trường hợp N.T.M bị nhiễm COVID-19 tại phường Hà Huy Tập (TP Vinh) kèm hình ảnh một người phụ nữ.
Tuy nhiên, qua xác minh cho thấy hình ảnh người phụ nữ trong bài viết không phải là trường hợp bị nhiễm COVID-19 tại phường Hà Huy Tập, đồng thời nội dung bài viết đề cập đến thời điểm 4 giờ ngày 14-6 có 3 ca ở trọ tại phường Hà Huy Tập (TP Vinh) là hoàn toàn sai sự thật, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Tương tự, ngày 17-6, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã phối hợp với Công an xã Nghi Thái triệu tập làm việc đối với C.T.L (1992, trú tại xã Hưng Lộc, TP Vinh) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Cụ thể ngày 16-6, qua rà soát trên mạng xã hội, lực lượng chức năng phát hiện facebook có tên Linh Nhung đăng tải nội dung liên quan trường hợp N.T.M bị nhiễm COVID-19 tại phường Hà Huy Tập (TP Vinh). Quá trình làm việc tại cơ quan công an, C.T.L đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Theo đó, chỉ vì nghe đồn thổi, thiếu kiểm chứng nên L. đã vội đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội.
Cũng trong ngày 16-6, tài khoản facebook “Nguyễn Văn Gia Bảo” đăng tải bài viết trong nhóm “Anh Sơn Nhà Choa” với nội dung: “Tôi mong chính quyền địa phương xã huyện dẹp hết quán nhậu ăn uống, họp chợ để bảo toàn sức khỏe, tránh dịch bệnh. hiện nay dịch về đến xóm 6, Khai Sơn rồi ạ, lo lắng”. Thông tin đăng tải trên, hoàn toàn sai sự thật, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Công an huyện Anh Sơn đã triệu tập N.V.N (trú xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn), chủ tài khoản facebook “Nguyễn Văn Gia Bảo” về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch COVID-19. Tại cơ quan Công an, N.V.N đã nhận thức và thừa nhận hành vi vi phạm của mình, cho biết nguyên nhân do tìm hiểu, tiếp thu thông tin trên mạng xã hội không đầy đủ nên đã đăng bài, đồng thời gỡ bỏ thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm.
Theo cơ quan chức năng, việc đăng tải những thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng nêu trên không chỉ tạo luồng thông tin hỗn loạn trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của người khác mà còn khiến công tác phòng, chống dịch của Nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hải- Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự: Pháp luật đã có những quy định nghiêm cấm người sử dụng các phương tiện truyền thông đặc biệt là mạng xã hội tung tin sai sự thật, xuyên tạc, chưa được kiểm chứng. Cụ thể: tại Điểm d, Điều 8, Luật An ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Tại Điều 9 Luật này cũng quy định rõ: Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Các đối tượng vi phạm quy định trên tùy theo tính chất, mức độ có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu về trách nhiệm hình sự. Về xử phạt hành chính: Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực,… sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, ở mức độ nghiêm trọng hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định pháp luật gây dư luận xấu làm giảm uy tín danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông với hình phạt chính từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù cao nhất lên đến 7 năm đối với cá nhân.
Ngoài ra, trước thực trạng thời gian qua, trên mạng xã hội (zalo, facebook) có đăng bệnh án, kết quả bệnh nhân COVID-19, cung cấp thông tin chưa chính thống trong công tác phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm COVID-19 làm người dân hoang mang. Việc tự ý đăng tải thông tin cá nhân bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên mạng xã hội có thể bị xử phạt lên tới 30 triệu đồng theo quy định tại Điểm C, Khoản 2, Điều 84, Nghị định số 15/2002/NĐCP (thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác). Bên cạnh đó, hành vi đăng tải chia sẻ, phát tán thông tin về người bệnh còn vi phạm Điều 8, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, cụ thể: "Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án”.
Hiện nay, bên cạnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp tung tin, đăng tin sai sự thật về tình hình dịch COVID-19, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân nên theo dõi thông tin ở các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Không đưa những thông tin về tình hình mắc COVID-19 trên địa bàn khi chưa được ngành Y tế công bố; không đăng đoạn trích nội dung hoặc toàn văn các văn bản chỉ đạo điều hành, các báo cáo của các cơ quan chức năng khi chưa được ký ban hành; không đăng những thông tin vi phạm quyền riêng tư của người bệnh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng.
N.A