Xử lý nợ xấu cho vay theo Nghị định 67

Thứ tư, 09/10/2019 09:06

Ra đời cách đây 5 năm, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó, có chính sách tín dụng cho ngư dân vay vốn đóng tàu cá công suất lớn để vươn khơi khai thác hải sản. Qua đó không chỉ góp phần giải quyết lao động, phát triển kinh tế biển, mà còn giúp ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tàu cá neo đậu tại Cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng).

Một số ngư dân có thái độ chây ì

 Ông Trần Ngọc Ân - Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho rằng, một số tàu cá được đóng mới không đảm bảo chất lượng, thường xuyên phải nằm bờ để sửa chữa dẫn đến ngư dân không có nguồn thu trả nợ ngân hàng. “Điều đáng lo ngại nhất đó là một số ngư dân cho rằng đây là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nên có thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng”, đại diện lãnh đạo ngân hàng lưu ý thêm.

Chủ trương đúng đắn

Nhận thức được tầm quan trọng của Nghị định này, ngành Ngân hàng cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc cho ngư dân vay vốn đóng tàu cá công suất lớn. Ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở phê duyệt của UBND TP Đà Nẵng, tính đến nay, ngành Ngân hàng TP đã cho 8 ngư dân trên địa bàn TP vay tổng cộng hơn 120 tỷ đồng để đóng mới và nâng cấp 9 tàu cá có công suất lớn (7 tàu đóng mới và 2 tàu nâng cấp).

Theo ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, trong quá trình cho ngư dân vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định 67, TP có quy trình rất chặt chẽ, kỹ càng. Đặc biệt, thành lập tổ giúp việc gồm đại diện các ngành như nông nghiệp, tài chính, ngân hàng... để xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn đóng tàu cá của ngư dân, sau đó, nếu đủ điều kiện mới tham mưu cho UBND TP phê duyệt.

Thận trọng trong xét duyệt hồ sơ vay vốn như vậy, nhưng thực tế chỉ có 2 tàu cá nâng cấp hoạt động hiệu quả, 7 tàu cá đóng mới gặp trở ngại, khó khăn khiến chủ tàu không trả được nợ cho ngân hàng như cam kết, dẫn đến nợ xấu. Số liệu thống kế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng cho thấy, nợ xấu phát sinh từ việc cho ngư dân trên địa bàn TP vay vốn đóng tàu cá rất đáng lo ngại, với con số nợ xấu lên đến 95 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến nợ xấu. Ngư dân Lê Văn Sang (Q. Hải Châu) cho biết, chủ trương của Nhà nước cho vay vốn để đóng tàu có công suất lớn là rất tốt, giúp cho ước mơ vươn khơi từ bao đời nay của ngư dân trở thành hiện thực. Tuy nhiên, do vốn vay quá lớn, nhiều chuyến ra khơi phải quay vào bờ do thời tiết xấu khiến việc khai thác hải sản không hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn lợi thủy sản trên biển ngày càng suy giảm, lượng hải sản khai thác ít, giá hải sản lại thấp. Trong khi đó, chi phí đi biển gồm xăng dầu, thực phẩm, lương cho bạn thuyền... ngày càng tăng khiến phần lớn chuyến đi biển không có lãi, thậm chí lỗ vốn nên ngư dân không thể trả nợ vay ngân hàng đúng hạn. Từ đó dẫn đến mất lãi suất ưu đãi, chuyển sang lãi suất thương mại và nợ xấu.

Nhìn từ góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Hòa - Giám đốc BIDV Hải Vân cho biết, trong 2 tàu cá có vay vốn của BIDV Hải Vân, có 1 tàu hoạt động từ tháng 5-2017. Nhưng từ tháng 9-2017 đến nay, tàu liên tục nằm bờ, khai thác ngưng trệ nên không trả nợ vay được. Tàu còn lại hoạt động từ tháng 5-2018 đến nay nhưng liên tục báo lỗ, chủ tàu có dấu hiệu chây ì, thậm chí không hợp tác với cán bộ ngân hàng trong việc tìm kiếm giải pháp trả nợ vay.

Cần hỗ trợ ngư dân xử lý nợ xấu

Để xử lý nợ xấu, ông Trần Ngọc Ân cho biết, ngân hàng đã chủ động gặp gỡ ngư dân để bàn bạc, tìm biện pháp tháo gỡ. Trong đó, biện pháp khả thi mà ngân hàng này đưa ra là chuyển nhượng tàu cá cho các ngư dân khác khai thác có hiệu quả. Trong khi đó, với BIDV Hải Vân, ông Nguyễn Hữu Hòa cho rằng, nếu các ngư dân tiếp tục chây ì việc trả nợ, ngân hàng sẽ khởi kiện ra tòa để thu hồi vốn. “Ngân hàng đã kiến nghị UBND TP tổ chức buổi làm việc giữa các bên liên quan để xử lý những khó khăn, vướng mắc của thực trạng cho vay đóng tàu cá theo Nghị định 67; chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp với ngân hàng để trao đổi thông tin về tình hình hoạt động khai thác hải sản của các tàu cá (sản lượng đánh bắt, tiêu thụ, doanh thu,...) nhằm đánh giá đúng tình hình sản xuất kinh doanh của các chủ tàu; đồng thời hỗ trợ ngân hàng trong quá trình thu hồi nợ vay cũng như trong công tác quản lý, kiểm tra tàu cá, nhất là tàu cá nằm bờ để tránh tình trạng xuống cấp, hư hỏng, thất thoát tài sản... Đặc biệt, chỉ đạo các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đối thoại với các chủ tàu cá có vay vốn ngân hàng về chủ trương, chính sách của Nhà nước để tránh việc các chủ tàu cá cố tình hiểu sai chính sách, từ đó, không thiện chí và hợp tác trong việc trả nợ ngân hàng...”, ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng nhấn mạnh.

Ngoại trừ số ít chây ì, không có thiện chí trả nợ, đa phần các ngư dân vay vốn đóng tàu cá đều gặp khó khăn khách quan trong việc trả nợ vay ngân hàng. Chủ trương cho vay đóng tàu cá theo Nghị định 67 không chỉ góp phần phát triển kinh tế biển mà còn bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Do vậy, rất cần UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan hữu quan, đặc biệt là ngành Ngân hàng có các giải pháp hỗ trợ ngư dân xử lý nợ xấu, góp phần tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển.

PHÚ NAM