Xua tan "gió độc" Hà Mòn
(Cadn.com.vn) - Cơn "gió độc" Hà Mòn từng có thời gian âm thầm rồi bùng lên tại các làng, bản của người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai. Hàng trăm, hàng ngàn người mê muội đi theo mà chẳng biết Hà Mòn là gì, chỉ thấy cái rẫy bị héo, cái hạt lúa nước không no, lũ trẻ ngày càng nheo nhóc vì đói ăn, thiếu mặc và cả con chữ. Cùng với các cấp chính quyền, những người lính an ninh của CA tỉnh Gia Lai cùng ăn, cùng ở, cùng làm rẫy, làm ruộng với bà con để tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ bản chất của tà đạo này.
Xua đi bóng tối
Một chiều tháng 3-2015, chúng tôi cùng tổ công tác gồm các CBCS Phòng An ninh dân tộc (ANDT) và CAH Mang Yang (tỉnh Gia Lai) trở lại Mang Yang, nơi những ngôi làng của người dân Ba Na dù còn khó khăn nhưng bình yên, ít ai có thể hình dung được cách đây không lâu, nơi đây là điểm nóng bởi sự xâm nhập của tà đạo Hà Mòn.
Cuối năm 1999, tại xã Hà Mòn (H. Đắc Hà, Kon Tum), Y Gyin (1942, dân tộc Rơ Ngao, trú làng Kơ Tu, xã Hà Mòn) chuyên hành nghề thầy cúng, thầy mo tự tung tin đã nhìn thấy "Đức Mẹ Maria hiện hình" và được lựa chọn làm "sứ điệp" để phán truyền cho loài người. Từ đó, Y Gyin cùng một số đối tượng khác tung ra các luận điệu bịa đặt, phản động như: Người nào đi theo "bước chân của Đức Mẹ hiện hình" thì không phải lao động vẫn sung sướng, ốm đau không chữa cũng khỏi, vay vốn ngân hàng sẽ được xóa nợ...
Mục đích của chúng là nhằm lôi kéo, kích động giáo dân từ bỏ đạo, không đến nhà thờ để theo tà đạo của chúng. Cuối năm 2009, tà đạo Hà Mòn được các đối tượng tuyên truyền vào một số vùng Công giáo của người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện Chư Păh, Đắc Đoa, Mang Yang và Đắc Pơ thuộc tỉnh Gia Lai. Theo thống kê, thời điểm đó có hàng trăm hộ với hơn 1.000 người bị lôi kéo. Những ngày tháng đó là sự ngột ngạt bao trùm các làng khi nhiều người dân bị lôi kéo, xúi giục giáo dân Công giáo bỏ đạo, không đến nhà thờ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để phát triển lực lượng nhằm "nuôi ảo mộng" thành lập cái gọi là nhà nước riêng do đối tượng FULRO lưu vong Ksor Kơk lãnh đạo...
Tiếng trống, nhịp cồng lại được hồi sinh ở ngôi làng Kret Krot, xã Hra, H. Mang Yang. |
Thiếu tá Ngô Lam Sơn - Phòng ANDT, Tổ trưởng tổ phụ trách tại khu vực H. Mang Yang, nhớ lại: "Họ như người đi rừng lạc lối, mò mẫm giữa đêm tối. Những luận điệu dụ dỗ của các đối tượng khác khiến bà con nhẹ dạ tin theo dần lan sang các làng đồng bào dân tộc người Ba Na gồm Kret Krot, Bơ Chăk và Kdung 1 của xã Hra và các xã khác của H. Mang Yang, rồi các làng khác của H. Đắc Pơ, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, các đối tượng cầm đầu còn lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc để lôi kéo, kích động người dân ở các làng nhằm chống đối chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc".
Trước tình hình đó, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng tại Gia Lai đã vào cuộc. Trước tiên là vạch rõ bản chất phản động và nhuốm màu mê tín dị đoan của tà đạo Hà Mòn. Đó là thứ tà đạo bị Y Gyin và một số người dựng lên để trục lợi; tiếp đó là các đối tượng FULRO lợi dụng móc nối, lôi kéo, kích động hòng chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, tạo hố ngăn cách giữa những người trong cùng một tôn giáo.
CA tỉnh Gia Lai đã lập Chuyên án 112 vào tháng 11-2012 nhằm tập trung đấu tranh, bắt giữ các đối tượng cầm đầu. Đồng thời, tổ chức vận động, tuyên truyền, giải thích để một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin thức tỉnh. Đến ngày 28-5, 8 đối tượng cầm đầu gồm Runh (1979), Jơnh (1952), Byưk (1945, cùng trú làng Kret Krot, xã Hra, H. Mang Yang), A Hyum (1940, trú làng Kon Kơ Lơng, xã Đắc Tờ Re, H. Kon Rẫy), A Tách (1959, trú làng Kon HRầm, xã Đắc Tờ Re, H. Kon Rẫy), Đinh HRôn (1981), Đinh Lứ (1976, đều trú làng Kuk Kông, xã An Thành, H. Đắc Pơ) và Y Gyin (1942, trú làng Ktu Hơ Moong, xã Hơ Moong, H. Sa Thầy, Kon Tum) bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt tổng cộng 63 năm tù về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc".
Xua tan "gió độc" Hà Mòn
"Bằng nhiều biện pháp đấu tranh phù hợp, kiên trì, các cơ quan chức năng, nòng cốt là lực lượng CA Gia Lai và H. Mang Yang nhận nhiệm vụ đến Kret Krot cùng ăn, cùng ở, cùng làm rẫy, làm ruộng với bà con. Qua đó vận động, tuyên truyền bà con hiểu được cái đúng, cái sai" - Thượng tá Đặng Văn Lợi - Phó trưởng Phòng ANDT CA tỉnh Gia Lai cho biết.
Những đứa trẻ làng Kdung 1 (xã Hra, H. Mang Yang) vui đùa cùng các CBCS. |
Ông Đinh Mak, làng Kret Krot nhớ lại: "Thời gian trước đây, con cháu trong làng Kret Krot nghe bọn xấu lôi kéo mà theo tà đạo Hà Mòn, tưởng là sung sướng nhưng chúng nó lầm rồi, không được cái gì hết". Hay như Junh, Wung, Brưm ở làng Kret Krot một thời gian đóng vai trò quan trọng trong việc lôi kéo dân làng bỏ làng trốn ra rừng, giờ hiểu rõ bản chất của những kẻ xấu đã quay về với dân làng. Họ trở về đúng bản chất hiền lành, chăm chỉ của những người đàn ông Ba Na và cùng với chính quyền vận động, tuyên truyền cho những người khác từ bỏ con đường tăm tối.
Hay như Brô (1963, trú làng Drăh, xã Lơ Pang, H. Mang Yang) từng là một trong những đối tượng cầm đầu tuyên truyền tà đạo Hà Mòn ở Mang Yang đã quay về với dân làng, chăm lo cho mái ấm của mình. Brô tâm sự: "Những ngày theo Hà Mòn là những ngày như tách ra khỏi cộng đồng làng, lén lút và sống trong mặc cảm. Được chính quyền giải thích, bà con dân làng khoan dung, giáo dục, tôi trở về làng mong xua đi quá khứ lỗi lầm. Suýt nữa thì hạnh phúc của gia đình mình bị tà đạo của mụ phù thủy Y Gyin đánh cắp".
Sau cơn "chếnh choáng" vì "gió độc" Hà Mòn, người dân ở các làng cũng đã làm lễ tuyên bố xóa bỏ thứ tà đạo này ra khỏi buôn làng, khẳng định sự chung sức, đồng lòng của quân và dân Gia Lai trong việc chống lại thứ tà đạo nguy hiểm. Cùng với các chiến sĩ ANDT và chính quyền địa phương, người dân hợp sức xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nhằm giữ vững bình yên cho các buôn làng Tây Nguyên...
Minh Tân