Xuân ấm biên cương (Kỳ 2: Người con của bản làng)
Từ lâu, bà con Cơ Tu vùng biên giới Tây Giang đã xem Đại úy Tôn Ui, Đội trưởng vận động quần chúng Đồn biên phòng A Xan (BĐBP Quảng Nam) như người con ruột thịt của dân bản. Còn với Đại úy Tôn Ui, “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” từ khi bước chân vào lính biên phòng.
Đại úy Ui cùng đồng đội giúp dân trồng lúa nước. |
Nhớ ngày ông Bríu Nha (trú thôn Ganil, xã A Xan) dựng nhà mới, Tôn Ui là người đến sớm nhất để phân công các thành viên trong đội, người xẻ ván, người đóng đinh, người cắt tôn, người dựng cột… tất cả đều nhanh nhẹn và thành thục. Ngôi nhà của ông Bríu Nha chỉ là một trong hơn 300 ngôi nhà ở xã A Xan được Tôn Ui và các chiến sĩ biên phòng giúp công dựng nên trong hơn 1 năm qua. Ông Bríu Nha cho biết: “Dân làm nhà là có đồn biên phòng giúp đỡ, không những thế, khi bà con gặp khó khăn đều nhận được sự giúp đỡ kịp thời của các chiến sĩ biên phòng và cán bộ xã. Vì thế người dân 9 thôn trong xã ai cũng quý mến họ”. Còn bà Bling Thị Blênh (trú thôn A Rầng 1, xã A Xan) tâm sự: “Cán bộ Ui tốt bụng lắm, tuần nào cũng lên thăm bà con. Mình bày cán bộ nói tiếng Cơ Tu chuẩn, cán bộ bày cho bà con cách nuôi gà, lợn, trồng rau. Bà con xem cán bộ Ui như người con của làng”.
Nhận công tác tại Đồn Biên phòng A Xan gần 10 năm thì cũng chừng đó năm đại úy Tôn Ui gắn bó với từng mái nhà, từng người dân và từng bản làng vùng biên xa xôi này. Anh họp dân tuyên truyền chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vận động bà con tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, tham gia đỡ đầu các em học sinh Việt Nam-Lào trong chương trình nâng bước em đến trường của Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam phát động…Lúc nào Tôn Ui cũng gương mẫu đi đầu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không những vậy, đại úy Tôn Ui còn tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho bà con bằng việc đề xuất, tham mưu cho chỉ huy Đồn biên phòng A Xan và chính quyền địa phương phát triển các mô hình phát triển kinh tế, thường xuyên phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức những buổi tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, Luật Biên giới quốc gia, Quy chế khu vực biên giới, hướng dẫn bà con làm ăn phát triển kinh tế…
Là người dân tộc Ve nên để có thể nói cho bà con nghe và nghe bà con nói, Tôn Ui luôn trau dồi vốn kiến thức chữ viết, ngôn ngữ, văn hóa Cơ Tu. Việc kiên trì học chữ viết Cơ Tu đã giúp anh được bà con dân bản tin yêu, quý mến. “Trong 4 cùng - Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thì vấn đề khó khăn nhất là ngôn ngữ. Từ ngày về công tác tại Đồn A Xan, ngoài việc nghiên cứu sách vở, tôi thường xuyên xuống địa bàn, nghe ngóng, hỏi người dân những từ ngữ đơn giản nhất, có những lúc tôi cầm tờ giấy ghi lại những từ nào nhớ không hết, đến tối về suy ngẫm để học mà giao tiếp với bà con”- đại úy Ui cho biết thêm. Thượng tá Dương Đệ Châu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Xan đánh giá: “Ban chỉ huy xác định đồng chí Ui là tiên phong, mũi nhọn trong công tác vận động quần chúng, đảm bảo vai trò đưa chủ trương của Đảng ủy, chỉ huy đơn vị đến gần dân hơn. Đồng chí Ui luôn sát dân, nắm tâm tư tình cảm của nhân dân cũng như vướng mắc của bà con để về báo cáo ban chỉ huy đơn vị và đề xuất hướng giải quyết”.
Với những thành tích vượt trội, nhiều năm liền Đại úy Tôn Ui được khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, gương mặt thanh niên tiêu biểu toàn lực lượng…Tuy nhiên, có lẽ phần thưởng quý giá nhất mà Tôn Ui nhận được đó là sự tin yêu mến phục của đồng đội, đồng chí và bà con Cơ Tu vùng biên H. Tây Giang. Đó cũng chính là niềm tin, là động lực để Tôn Ui tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong bảo vệ đường biên cột mốc và xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân nơi biên cương xa xôi này.
TRẦN TÂN - HỒNG ANH
Kỳ tới: Gương sáng già làng nơi biên cương