Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2019) và 30 năm ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989-3-3-2019):

Xuân ấm biên cương (Kỳ cuối: Nơi ấy thắm tình quân dân)

Thứ sáu, 01/03/2019 09:00

Ở các bản làng vùng biên, mỗi khi có CBCS Biên phòng về bản là được mọi người chào đón như những người thân trong gia đình. Ngồi bên bếp lửa, già làng Alăng Nhắp (thôn Dading 1, xã Gary, H. Tây Giang) vui vẻ nói: "Ở nơi vùng biên này, BĐBP với bà con gắn bó như "cá với nước". Những ruộng lúa nước bậc thang ở các thôn quanh vùng đều do cán bộ Biên phòng xuống hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho bà con. Cuộc sống của đồng bào vùng biên bây giờ khác trước rất nhiều, không còn cảnh thiếu đói vào mùa giáp hạt, có trạm y tế để bà con đến khám bệnh, có trường học khang trang cho con trẻ học chữ".

 BĐBP Đồn Gary hỗ trợ gạo cho người dân trong mùa giáp hạt. 

Trong những năm gần đây, thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường" do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, nhiều em nhỏ trên địa bàn hay các em của bản giáp biên nước bạn Lào có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến trường đã được đơn vị nhận đỡ đầu giúp đỡ. Em Cor Nhíu (lớp 8, Trường dân tộc nội trú PTCS Tây Giang) là một trong 5 học sinh được CBCS Đồn Biên phòng Gary nhận đỡ đầu. Ngoài chuyện học ở lớp, em còn được các chú BĐBP thường xuyên đến nhà giúp đỡ thêm nên em rất mau tiến bộ. Không chỉ giúp bà con phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, chiến sĩ Đồn Biên phòng Gary còn thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH, xây dựng "Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới". Bà Zơrâm Thị Đam (thôn Apol, xã Gary) vui mừng khi có được một ngôi nhà khang trang từ công sức đóng góp của CBCS Đồn Biên phòng Gary. "Nhờ Bộ đội biên phòng đã tận tình giúp đỡ cho mế một ngôi nhà khang trang, bây giờ nắng mưa không lo gì nữa. Mế không biết nói gì hơn, cảm ơn Bộ đội Biên phòng nhiều lắm..."- bà Zơrâm Thị Đam xúc động bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND xã Ch'ơm Bríu Hồ cho biết, trước đây theo tập quán, bà con Cơ Tu thường sinh sống phân tán sâu trong rừng, đường đi lại tới các thôn cách trở nên có nhiều hủ tục. Nhờ sự phối hợp kiên trì của cán bộ  biên phòng và chính quyền địa phương, những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, tình trạng tảo hôn đã dần được xóa bỏ. Những đám cưới trong xã không còn có phần "đòi của" từ nhà gái với nhà trai, không tổ chức đâm trâu, mổ bò, ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày. "Từ khi đồn Gary thành lập quản lý địa bàn hai xã Gary và Ch'ơm, CBCS ở đây đã giúp cho hai địa phương chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới... Địa phương cũng phối hợp tham gia rất tốt với đồn trong việc tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc..."- ông Bríu Hồ nói. Theo thượng tá Đinh Đức Liên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Gary, muốn bảo vệ và quản lý tốt chủ quyền an ninh biên giới quốc gia phải xây dựng thế trận biên phòng kết hợp thế trận an ninh nhân dân vững chắc. "Để có được kết quả đó, CBCS luôn xác định đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt; luôn thực hiện tốt phương châm "Bốn cùng" với bà con"-Thượng tá Liên chia sẻ.

BĐBP Đồn La Êê giúp dân dựng nhà.

Những việc làm thiết thực của CBCS biên phòng đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng dân, giúp bà con biên giới xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và quân đội... Những việc làm mang đậm tình nghĩa quân dân của CBCS Đồn Biên phòng Gary đã in đậm trong lòng đồng bào các dân tộc nơi đây, tạo được niềm tin và gắn bó. Và cũng chính tình quân dân thắm thiết đó đã hỗ trợ cho BĐBP trong việc xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

TRẦN TÂN - HỒNG ANH