Xuất khẩu của TP Đà Nẵng phục hồi và khởi sắc
So với tình hình ảm đạm, giảm sút của năm 2023, bước vào năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của TP Đà Nẵng đã có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc trở lại, hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP có nhiều dấu hiệu tích cực, lượng đơn hàng dồi dào...
Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhật - Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) ở Khu công nghiệp Liên Chiểu (phường Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu), chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã đạt tổng doanh thu hơn 2.337 tỷ đồng, tăng gần 3%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 126,6 tỷ đồng, tăng gần 66% so với cùng kỳ, v.v… Trong đó, hoạt động xuất khẩu đóng góp đến 65 - 70%. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của DRC là Brazil. Vào tháng 4-2024, DRC đã ký kết hợp đồng với Công ty Oceanside One Trading LLC (Brazil) về việc xuất khẩu lốp DRC sang thị trường Brazil với tổng giá trị lên đến 150 triệu USD. Bên cạnh Brazil, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng là các thị trường xuất khẩu trọng điểm của DRC.
Tương tự là Công ty TNHH Daiwa Việt Nam ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu) chuyên sản xuất chỉ để xuất khẩu các sản phẩm gồm: bộ cần câu cá, xe đạp thể thao, gậy đánh golf, vợt tennis, v.v… với khoảng 3.500 công nhân. Trái với bối cảnh ảm đạm ở năm ngoái, bước vào năm 2024, công ty này đã có đơn hàng ổn định và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ dồi dào hơn. Ông Nguyễn Văn Phu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho biết, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, hoạt động xuất khẩu nói riêng của Công ty tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu thống kê của Cục Thống kê TP Đà Nẵng cho thấy tình hình xuất khẩu của TP trong 7 tháng đầu năm 2024 có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7-2024 đạt khoảng 172 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 1.102,7 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại xuất khẩu hàng hóa của TP trong 7 tháng qua tiếp tục duy trì xuất siêu gần 334,3 triệu USD.
Mới đây, tại Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng năm 2024, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết, 26-6-2024, Quốc hội đã có Nghị quyết số 136-NQ/TW về việc tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng với định hướng mang tính chiến lược để xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong tầm nhìn dài hạn thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á...; TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; xây dựng thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, trung tâm vùng về logistics…
Với những ưu thế nêu trên, TP Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất xuất khẩu nhiều loại sản phẩm như: cơ khí - điện - điện tử, thủy sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ, vật liệu xây dựng - cao su - nhựa, dược phẩm - thiết bị y tế; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không vũ trụ, chế biến chế tạo, hóa dược phẩm, nông sản thực phẩm, v.v... "Để đạt được mục tiêu năm 2024 của TP Đà Nẵng với GRDP tăng 8%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6%, TP đang và sẽ nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển dịch vụ logistics; tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn TP…", Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường chia sẻ thêm.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), để tạo ra bước chuyển biến mới, phát huy tối đa vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của mình, TP Đà Nẵng cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá. Về phía Bộ Công Thương, trong thời gian đến sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nội địa và thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Qua đó, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của thành phố cả ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
"Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, xuất khẩu, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cam kết tiếp tục hỗ trợ các địa phương nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng trong các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu.
PHÚ NAM