Xuất khẩu gỗ Việt Nam tăng trưởng vượt trội

Thứ ba, 10/08/2021 15:32

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,58 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, sản phẩm gỗ đạt 7,44 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020. Các chuyên gia ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam đánh giá, đây là mức tăng trưởng vượt trội ngay cả trong tình huống Việt Nam và các quốc gia trên thế giới ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU của Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang.

Điện thoại và linh kiện tiếp tục dẫn đầu nhóm xuất khẩu tỷ USD

Theo Bộ Công Thương, sau 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong 7 tháng vừa qua, cả nước có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 29,4 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,4 tỷ USD, tăng 16,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,7 tỷ USD, tăng 55,4%. Thống kê cho thấy, sau 7 tháng, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm 73,8%.

T.N

Tăng trưởng đều

Dịch COVID-19 tác động mạnh đến hầu hết các ngành hàng chế biến, xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, phải kể đến các ngành liên quan đến hàng nông sản, có thời hạn bảo quản, sử dụng ngắn. Thế nhưng, đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, đây là cơ hội, bởi nhu cầu mua sắm, trang trí nhà cửa của khách hàng nước ngoài tăng cao.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, hiện nay, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành chế biến gỗ Bình Dương đang tăng mạnh. Thị trường Mỹ chiếm hơn 65% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Bình Dương, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2020; thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 8,5%, tăng hơn 47%; thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 5,6%, tăng 43%.  Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2020, ngành gỗ Việt Nam nói chung và ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Bình Dương nói riêng kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ tại các quốc gia trong khối Châu Âu.

Tương tự như Bình Dương, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Bình Định cũng có sự bứt phá lớn trong xuất khẩu gỗ năm 2021. Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, hiện nay, sản phẩm đồ gỗ Bình Định đã xuất khẩu trực tiếp qua 5 châu lục với 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn là xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Đại Dương, Châu Mỹ, Châu Á và Châu Phi. Năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của Bình Định đã ký đơn hàng đến hết quý III-2021. Mặt hàng gồm gỗ nội thất xuất khẩu sang thị trường Mỹ dự kiến sẽ tăng khá.

Dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động giao thương, vận chuyển, tác động trực tiếp lên nhu cầu làm việc và sinh sống của người dân. Do đó, người tiêu dùng đã chủ động sắm sửa vật dụng, dụng cụ làm việc để duy trì công việc, cuộc sống tại nhà. Điều này kéo theo ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, đặc biệt là đồ gỗ dùng cho nội thất văn phòng, phòng khách, phòng ăn rất khả quan. Thị trường nhà ở Mỹ đang có xu hướng phát triển mạnh khi Chính phủ Mỹ cho vay lãi suất thấp, nhiều gia đình xây mới hoặc sửa chữa nhà cửa cũng thúc đẩy hoạt động mua sắm đồ nội thất tăng nhanh. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, cùng với khối thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) những tháng cuối năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Châu Âu sẽ tăng mạnh, khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát; Châu Âu dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa thông thương thuận tiện hơn.

Ứng phó những trở ngại

Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng vượt trội, ngay cả trong điều kiện cả nước đang ứng phó với dịch COVID-19. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại khách quan bên cạnh dịch bệnh COVID-19. Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Việt (Bình Dương), giá trị xuất khẩu của ngành gỗ tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây là một điều đáng mừng, nhưng cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro bởi phía Mỹ sẽ gia tăng các biện pháp phòng vệ đối với các mặt hàng có sự tăng trưởng đột biến.

Hiện nay, cơ quan chức năng Mỹ rất quan tâm tới hoạt động đầu tư có dấu hiệu gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn cần phải cẩn trọng tránh trường hợp trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho quốc gia thứ ba. Phía Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ và không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Cùng với những quy định mới của thị trường Mỹ, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với một vấn đề chung của nền kinh tế thế giới. Đó là tình trạng thiếu container rỗng để xuất hàng qua các cảng quốc tế trước khi chuyển giao cho các khách hàng khắp thế giới. Chi phí vận chuyển đến các thị trường Mỹ, châu Âu đã tăng từ 2-3 lần trong năm qua, gần đây nhất là phí vận chuyển tăng lên 10 lần so với tháng 7-2021. Các chuyên gia ngành vận tải hàng hải, logictics đánh giá, giá cước có thể đạt đỉnh vào quý IV-2021 và sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào đầu năm 2022. Giá cước có thể giảm đáng kể trong năm 2023 khi nguồn cung tàu mới đi vào hoạt động, nhưng duy trì ở mức cao hơn mặt bằng trước dịch COVID-19.

Để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam được thuận lợi trong việc tìm container rỗng để vận chuyển, giao hàng đúng hợp đồng đã ký, Sở Công Thương các địa phương đã đề xuất lên Bộ Công Thương hướng đi hợp lý cho ngành hàng đang phát triển thuận lợi trong tình huống ứng phó dịch bệnh COVID-19 này. Đồng thời, Bộ Công Thương có chương trình, chính sách tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, để khai thác các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi tiềm năng hiện nay.

H.N - M.H