Ý nghĩa các loại bánh dâng Bà ở lễ hội Bà Thu Bồn
Trong 3 ngày 15, 16, 17-3, Lễ hội Bà Thu Bồn diễn ra tại xã Duy Tân (H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Là một trong những lễ hội lớn nhất xứ Quảng, những hoạt động vui chơi, giải trí tại lễ hội Bà Thu Bồn luôn thu hút đông du khách các nơi về tham dự. Ngoài giá trị là một lễ hội dân gian, lễ hội còn là sự kết tinh quá trình lịch sử lâu dài thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam). Theo thông lệ, lễ hội tổ chức hằng năm vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, là dịp người dân nơi đây tỏ lòng thành kính, biết ơn sự che chở của Bà Thu Bồn cho dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, ấm no.
Trần Quốc Cường đang chế biến bánh Linh của người Chăm. |
Một điều thú vị rất dễ nhận thấy trong lễ hội Bà Thu Bồn, đó là các loại bánh trong lễ hội đều khá lạ mắt và ít thấy trên thị trường. Đặc biệt là bánh củ gừng, thức cúng không thể thiếu trong mâm lễ dâng bà. Đây cũng là loại bánh thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa người Chăm và người Việt trên vùng đất thánh. Bà Hoa (một trong số ít người biết làm bánh củ gừng) cho biết trước giải phóng, chỉ những nhà khá giả mới làm bánh gừng. Từ sau ngày giải phóng, khi đời sống dần dần khá lên, hầu hết nhà nào cũng làm bánh gừng trong dịp lễ, Tết. "Những năm gần đây, thị trường xuất hiện nhiều loại bánh ngon đẹp mắt nên bánh củ gừng ít được chuộng nữa nhưng chúng tôi vẫn làm và dâng lên Bà Thu Bồn trong ngày lễ, mâm lễ nếu không có loại bánh này thì coi như không đủ lễ". Nguyên liệu làm bánh củ gừng là hỗn hợp bột gạo nếp, đường, trứng gà và men rượu rồi đem giã nhuyễn. Bột được các chị, các cô khéo léo nặn thành hình giống củ gừng đem chiên giòn rồi nhúng vào nước đường sẽ cho ra những chiếc bánh bóng mịn và không bị cong. Cuối cùng là phơi khô bánh khoảng 10-15 phút để tăng độ giòn... "Một dịp tình cờ xem tivi tôi được biết bánh củ gừng là một trong những lễ vật không thể thiếu của đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận để dâng cúng tổ tiên với mong ước cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc. Từ đó tôi mới biết thì ra loại bánh này có gốc gác từ người Chăm. Có lẽ từ xa xưa họ đã sinh sống trên mảnh đất này và đã dạy lại cách làm cho người Việt"-bà Hoa cho biết.
Bánh gừng là vật phẩm không thể thiếu trong mâm lễ cúng bà Thu Bồn. |
Tại lễ hội Bà Thu Bồn, gian hàng Không gian ẩm thực Chămpa của hai bạn trẻ Dương Diễm My và Trần Quốc Cường thu hút đông thực khách. Lựa chọn làm hai loại bánh nổi tiếng nhất của người Chăm là bánh Linh và Sakaya, hai bạn trẻ mong muốn truyền tải thông điệp về giao lưu văn hóa giữa cộng đồng người Chăm và người Việt thông qua quảng bá ẩm thực Chăm trên vùng đất Thánh địa Mỹ Sơn. Diễm My cho biết, để có được chén bánh Sakaya thơm phức, đầu tiên phải chuẩn bị nguyên vật liệu gồm trứng, đường, đậu phộng rang và gừng giã nhuyễn. Phải chọn trứng vịt loại to và tươi. Đậu phộng hạt rang chín rồi giã sao cho hạt bẻ làm ba, làm bốn là vừa. Gừng tươi giã thật nhuyễn đựng trong chén nhỏ để chuẩn bị trộn với hỗn hợp trứng. Trứng đập ra trộn với đường và đánh thật nhuyễn, nếu không, sau khi đem hấp đường sẽ đọng lại làm bánh mất ngon và không đẹp mắt. Gừng tươi được giã nhuyễn trộn với bánh sẽ tạo mùi vị rất đặc trưng. Sau khi trộn đều hỗn hợp trứng, đường, đậu phộng rang và gừng giã nhuyễn, công đoạn cuối cùng là đổ bánh vào những chiếc chén nhỏ rồi hấp chín.
Diễm My cho biết công thức làm bánh học từ cuốn ẩm thực Chăm của tác giả Kiều Maily-một nghệ sĩ người Chăm. Sau nhiều lần tập tành làm thử, My mang thành phẩm cho một số anh chị người Chăm đang làm việc tại Khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn nếm thử thì được khuyến khích tham dự lễ hội Bà Thu Bồn để có thể quảng bá ẩm thực Chăm đến mọi người. Chịu trách nhiệm khâu chế biến bánh Linh, Trần Quốc Cường cho biết những ngày tham gia lễ hội số lượng bánh Linh bán ra khiến Cường khá hài lòng. "Mặc dù làm từ những nguyên liệu rất quen, cũng gần như các loại bánh bột chiên của người Việt nhưng khi ăn bánh Linh lại có cảm giác rất khác. Bánh giòn, ngọt vừa phải nên trẻ em rất "ghiền". Tụi em hy vọng thông qua mùa lễ hội này, ẩm thực Chăm sẽ có ấn tượng trong lòng du khách", Cường cho biết.
Có lẽ, chính sự hòa quyện của văn hóa các dân tộc anh em trên vùng đất Thánh đã tạo nên một lễ hội Bà Thu Bồn vô cùng đặc sắc, ấn tượng. Để rồi, những ngày cuối xuân, du khách các nơi lại tụ tập về đây lắng nghe câu chuyện văn hóa của vùng đất thượng nguồn sông Thu, tạo nên một thương hiệu lễ hội rất riêng của xứ Quảng.
ĐỒNG DAO