Yemen cầu cứu

Thứ tư, 01/04/2015 09:01

(Cadn.com.vn) - Bất chấp những cuộc không kích như vũ bão của Saudi Arbia và các nước đồng minh Arab khác, phiến quân Houthi ở Yemen vẫn đầy thách thức.

Yemen vẫn bất ổn. Tình hình hỗn loạn trong nước khiến Ngoại trưởng Yemen Riyadh Yasseen ngày 31-3 buộc phải kêu gọi các nước Arab can thiệp quân sự trên bộ “càng sớm càng tốt” vào quốc gia này.

Theo Reuters, khi trả lời câu hỏi Kênh truyền hình Arab “Al-Arabiya Hadath” về việc liệu ông có tìm kiếm hành động can thiệp trên bộ từ các quốc gia Arab hay không, ông Yaseen nói: “Có, chúng tôi đề nghị như vậy và càng sớm càng tốt để cứu cơ sở hạ tầng và những người Yemen đang bị vây hãm ở nhiều thành phố”.

Hiện trường một vụ không kích của Saudi Arabia ở Yemen. Ảnh: EPA

Trong vòng 6 ngày qua, liên minh quân sự do Saudi Arabia chỉ huy không kích nhắm vào phiến quân Houthi và các đơn vị quân đội chống Tổng thống Yemen Mansour Hadi. Vụ nổ lớn trên bầu trời thủ đô Sanaa rạng sáng 31-3 chính là cuộc không kích nặng nề nhất của liên quân trong chiến dịch “Siêu Bão” chống lực lượng phiến quân Hồi giáo Houthi.          

Các vụ nổ lớn qua đêm ở Sanaa xảy ra khi lực lượng liên quân đánh vào kho tên lửa thuộc Lực lượng vệ binh Cộng hòa, vốn trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh. “Sanaa trải qua một ngày khủng khiếp do các vụ đánh bom liên tục từ đầu sáng 30-3 đến 31-3”, Assem al-Sabri, một cư dân 28 tuổi nói. “Chúng tôi không thể ngủ được vì âm thanh các vụ nổ”, ông nói thêm với AFP. Vụ nổ kho tên lửa làm rung chuyển một huyện phía tây nam thủ đô Sanaa và người dân có thể nhìn thấy ngọn lửa cuồn cuộn từ hiện trường. “Đây là vụ nổ ghê gớm nhất mà tôi từng thấy trong  đời. Vụ nổ khiến bầu trời Sanaa rực sáng”, cư dân 30 tuổi Amr al-Amrani nói.

Riyadh đang tiếp tục đà tấn công sau khi thông báo kiểm soát hoàn toàn các cảng biển của Yemen. “Liên minh 10 nước tiến hành chiến dịch trên biển thành công giúp kiểm soát các cảng biển của Yemen, nơi tất cả các tàu cập và rời bến đều được kiểm tra”, Chuẩn tướng Ahmed Al Asiri - phát ngôn viên chiến dịch trên cho biết.

Mục tiêu hiện tại của liên quân là tiêu hủy toàn bộ tên lửa đạn đạo và ngăn chặn Houthi tiến đến Aden, trong bối cảnh lực lượng phiến quân này đang tích trữ vũ khí để tấn công người Yemen và các nước láng giềng. Theo ông Asiri, phiến quân Houthi đã phóng tên lửa đạn đạo từ Sanaa nhằm vào cơ sở của Saudi Arbia tại biên giới, nhưng tên lửa rơi do trục trặc kỹ thuật.

Liên minh 10 quốc gia này từng tuyên bố sẽ mở các cuộc không kích cho đến khi phiến quân Houthi chấm dứt cuộc chiến chống lại Tổng thống Mansour Hadi Abedrabbo, người hiện đã trốn sang Saudi Arabia. Tuy nhiên, giao tranh khiến những căng thẳng giữa các quốc gia Arab Sunni và Iran - vốn bị cáo buộc ủng hộ phe Houthi - tăng cao, thậm chí gây ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hạt nhân marathon giữa Tehran và các cường quốc P5+1 ở Thụy Sĩ khi bàn đàm phán bước vào giai đoạn cuối cùng rất quan trọng.

Liên minh do Saudi Arabia chỉ huy này cáo buộc Iran tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực bằng cách can thiệp vào các công việc nội bộ của những nước trong khu vực.  Các nước này cho đến nay vẫn tiếp tục lên án và cáo buộc Tehran đóng vai trò hỗ trợ cực kỳ quan trọng cho phe Houthi trong cuộc chiến ở Yemen. “Phe Houthi và đồng minh, cựu Tổng thống Saleh quyết định gây bất ổn cho Yemen với sự hỗ trợ của Iran”, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Saud al-Faisal nhận định. Theo ông, “chúng tôi không phải là kẻ hiếu chiến, nhưng khi họ đánh trống chiến tranh, chúng tôi sẵn sàng”.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 31-3, Iran tiếp tục phủ nhận các cáo buộc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, bà Marzieh Afkham tuyên bố: “Những cáo buộc về việc vũ khí được vận chuyển từ Nhà nước Hồi giáo Iran đến Yemen là hoàn toàn bịa đặt và dối trá”. Theo bà, Iran chỉ có hợp tác thương mại và hàng không với Yemen và chuyển hàng viện trợ y tế cũng như sản phẩm chăm sóc sức khỏe đến quốc gia Arab này.

Hiện theo các nguồn tin, Tehran chuyển hàng viện trợ đến Yemen, chuyến hàng đầu tiên kể từ khi liên quân các nước Arab bắt đầu không kích.

Khả Anh