Yemen trước ngưỡng cửa “thảm họa”

Thứ sáu, 10/04/2015 10:27

(Cadn.com.vn) - Những cuộc xung đột không lối thoát ở Yemen đang trên con đường trở thành thảm họa cho người dân và cho tương lai quốc gia Trung Đông nghèo khổ này.

Ngày 9-4, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu vẫn tiếp tục không kích các mục tiêu quân sự hiện do lực lượng Houthi kiểm soát, cũng như các khu vực miền bắc gần biên giới Saudi Arabia và ở miền nam Yemen.

Khi các phe phái ở Yemen vẫn tiếp tục chiến đấu nhằm giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ quan trọng, người dân Yemen càng tuyệt vọng và chạy trốn bằng đường biển đến các nước láng giềng. Trước tình hình xung đột đang leo thang, các nước gấp rút sơ tán công dân ra khỏi Yemen. Hiện có 26 nước, trong đó có Pháp, Đức, Mỹ... đề nghị Ấn Độ giúp sơ tán công dân khỏi quốc gia Trung Đông này.

Khói bốc lên từ địa điểm trúng không kích của liên quân Arab ở thủ đô Sanaa, Yemen. Ảnh: AP

MỸ, IRAN “SẴN SÀNG” THAM CHIẾN?

Mỹ ngày 9-4 bắt đầu hoạt động tiếp nhiên liệu trên không hàng ngày cho các chiến đấu cơ tham gia không kích ở Yemen.

AFP dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Steven Warren cho biết, máy bay tiếp nhiên liệu đầu tiên là chiếc Stratotanker KC-135. Nó bắt đầu cung cấp nhiên liệu cho máy bay F-15 của Saudi Arabia và máy bay F-16 của Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE). “Chúng tôi sẽ cho loại máy bay tiếp liệu này xuất kích hàng ngày”, ông Warren nói đồng thời cho biết thêm, toàn bộ các chuyến bay sẽ nằm ngoài không phận Yemen. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng tuyên bố sẵn sàng triển khai máy bay cảnh báo sớm và xúc tiến việc cung cấp bom dẫn đường chính xác cho Saudi Arabia, động thái cho thấy Mỹ đang sẵn sàng tham chiến ở Yemen.

Trong khi đó, Iran triển khai tàu khu trục đến vùng biển ngoài khơi gần Yemen, động thái được đánh giá là nhằm đáp trả việc Mỹ ngày càng đào sâu vai trò hỗ trợ cho Saudi Arabia. Tuy nhiên, theo Tehran, quyết định triển khai tàu chiến chỉ nhằm “chống cướp biển” trên tuyến hàng hải nối Địa Trung Hải với biển Đỏ.

Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ động thái lần này của Tehran.  Tại Abu Dhabi, thủ đô của UAE, đối tác số 1 của Riyadh trong liên minh Arab, Ngoại trưởng Al Nahyan cho rằng, việc Iran can thiệp quá sâu vào một số quốc gia Arab, bao gồm Yemen, càng khiến triển vọng hợp tác lung lay.

CUỘC CHIẾN SUNNI-SHIITE

19 lao động Việt Nam ở Yemen đã sang Oman

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9-4, phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: 19 lao động Việt Nam tại Yemen đã được di chuyển an toàn sang Oman vào ngày 8-4.

Theo ông Lê Hải Bình, ngay sau khi có thông tin về 19 lao động Việt Nam tại Yemen, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Yemen liên hệ và giữ liên lạc với đại diện của các lao động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Yemen, Đại sứ quán các nước ASEAN và các quốc gia khác để đảm bảo an toàn cao nhất cho các công dân của Việt Nam.

TTXVN

Giới phân tích cho rằng, cuộc xung đột tại Yemen cho thấy mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite. Do các cuộc xung đột hiện nay trong khu vực giữa 2 dòng này, nhiều người lo ngại thế giới Hồi giáo có nguy cơ “tan rã”.

Trên thực tế, liên quân do Saudi Arabia đứng đầu triển khai chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân Hồi giáo dòng Shiite ở Yemen, là các nước Hồi giáo dòng Sunni. Riyadh quyết định tham chiến ở Yemen khi phe Houthi - được cho là được Iran ủng hộ - mở rộng quyền kiểm soát ở quốc gia láng giềng. Thế lực của phe Houthi ở Yemen được đánh giá là bằng chứng mới nhất về chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Iran - nước có người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số, trong thế giới Arab. Tuy nhiên, Iran vẫn luôn bác bỏ cáo buộc này đồng thời tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở Yemen.

Hiện nay, mối quan hệ vốn dĩ căng thẳng giữa Saudi Arabia – một quốc gia Sunni và Iran - một quốc gia Shiite - đang leo thang chóng mặt. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Speaker Larijani hôm 8-4 thậm chí lên án chính quyền Riyadh, cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người trong cuộc không kích Yemen.

Khả Anh