Yên nghỉ nhé, ông Mandela!

Thứ hai, 16/12/2013 09:07

(Cadn.com.vn) - Người dân Nam Phi và cả thế giới đều hướng về làng Qunu, tỉnh Eastern Cape nói lời tiễn biệt lần cuối cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Người anh hùng Mandela cuối cùng đã an nghỉ ở quê nhà Qunu vào ngày 15-12, đặt dấu chấm kết cho một “cuộc hành trình dài đến tự do”.

Gần 5.000 người, trong đó có các quan chức cấp cao của Nam Phi, cựu quân nhân và quan chức nước ngoài (gồm cả Thái tử Charles) đến tham dự lễ an táng ông Mandela vào ngày 15-12 tại quê nhà ông ở làng Qunu, đánh dấu kết thúc 1 tuần tưởng niệm Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Nam Phi.

Dù giữa mùa đông, trời Nam Phi vẫn hừng hừng như thiêu đốt lòng người. Một đoàn hộ tống quân sự bên quan tài của nhà lãnh đạo Mandela từ từ tiến vào khu an táng. Những vòng hoa trắng vấn vương. Từng dòng người xếp thành hàng rào danh dự khi thi hài ông Mandela đi qua. Có người khóc, có người lặng lẽ nhưng hầu hết họ đều hát và reo hò khi đoàn xe đi qua. Bởi lẽ, theo họ “được nhìn thấy ông đi qua là một trong những điều tuyệt vời nhất cuộc đời tôi”.



Tang lễ ông Mandela tại làng Qunu hôm 15-12. Ảnh: Reuters

Nhà lãnh đạo từng đoạt giải Nobel hòa bình, người phải ngồi tù 27 năm trước khi xuất hiện để giảng về sự tha thứ và hòa giải đã về với tổ tiên trong nghi lễ an táng long trọng của quân đội và truyền thống của thị tộc Xhosa abThemu của ông. Sau khi quốc ca “Nkosi Sikelel'I Africa” vang lên, phát ngôn viên Matanzima của gia đình Mandela có bài phát biểu tri ân. Phó Chủ tịch đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi, Cyril Ramaphosa đã khiến mọi người xúc động khi nói rằng: “Người đang nằm đây là người con vĩ đại nhất của Nam Phi”.

Còn đương kim Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma thì thầm “Cảm ơn gia đình Mandela đã chia sẻ ông với cả thế giới”, và khẳng định, “ông sẽ sống mãi trong con tim mỗi người”. “Hôm nay đánh dấu kết thúc cuộc hành trình phi thường bắt đầu từ 95 năm trước. Một kết thúc vẻ vang cho 95 năm gian khổ của một ngọn hải đăng vĩ đại, niềm hy vọng cho tất cả những người luôn đấu tranh cho trật tự thế giới công bằng và bình đẳng”, Tổng thống Zuma tuyên bố.

Quân đội và gia đình nói lời tiễn biệt ông Mandela sau khi đã an táng. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, theo BBC, lễ an táng truyền thống bắt đầu bằng bài thánh ca “Lizalis' idinga lakho”. Cộng đồng Xhosa abThemu của ông Mandela cũng hát vang những bài hát và bài thơ ca ngợi cuộc đời biểu tượng hòa giải dân tộc. Sau đó, một con bò đực bị giết. Một thành viên cao niên của gia đình ở cạnh quan tài được bọc bằng da sư tử để trò chuyện với “linh hồn của thi thể”.

"Khi bước đến tự do, tôi biết rằng, nếu không bỏ lại phía sau nỗi đau và sự căm thù, tôi sẽ vẫn ở trong tù" cựu Tổng thống Nelson Mandela đã viết trong cuốn tự truyện nổi tiếng “The Long Walk to Freedom” (Hành trình dài đến tự do).

 Để rồi khi quan tài của ông được về với đất mẹ, tất cả như lắng đọng. Lúc đó, 3 máy bay trực thăng quân sự quần quanh cùng với lá cờ Nam Phi, khiến người ta cứ ngỡ như là lễ nhậm chức của ông Mandela với tư cách Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi gần 2 thập kỷ trước. 21 phát súng tiễn biệt được bắn lên, làm bùng nổ không gian xung quanh những ngọn đồi của Eastern Cape, trước khi 5 máy bay chiến đấu bay lên từ thung lũng Qunu. 95 ngọn nến tỏa sáng nơi đặt linh cữu ông Mandela, ghi dấu ấn mỗi năm trong cuộc đời huy hoàng của ông. Ngay sau lễ an táng là ngày hòa giải dân tộc (16-12) và lễ khánh thành bức tượng ông Mandela ở Tòa nhà Pretoria.

Có thể nói, sau 95 năm cuộc đời vì mọi người, giờ đây, chặng đường dài đến tự do đã kết thúc. Vì ông Mandela đã đi đến được sự tự do cuối cùng.

Khả Anh