Yêu phố Hội, nhớ băn khoăn của Nguyễn Tuân
(Cadn.com.vn) - Tôi cài bài báo “UNESCO lo lắng về Hội An” của tác giả Hoàng Duy cắt ra từ Báo Tuổi Trẻ (ngày 8-12-2007) vào bài “Cửa Đại” của Nguyễn Tuân (trang 304, Tổng tập I, NXB Văn học - 1996).
Tác giả Hoàng Duy viết: “Ngày 7-12, ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TX Hội An - cho biết vừa nhận được thư của ngài Francesco Bandarin - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới (thuộc UNESCO) - về những lo lắng của UNESCO đối với phố cổ Hội An. Đó là những mối đe dọa có thể ảnh hưởng đến tình trạng bảo tồn khu di sản. Cụ thể như việc sử dụng đèn neon thay cho đèn lồng ở các cửa hàng; thuyền thiên nga trắng hoạt động trên sông Hoài thay cho thuyền chèo gỗ; hàng quán, đặc biệt là karaoke gây ồn ào...”.
Đọc những dòng lo lắng này, tôi nhớ đến bài “Cửa Đại” của Nguyễn Tuân viết cách đây hơn 60 năm. Trong bài có đoạn: “Ở đây chỉ có cát vàng, cây xanh, sóng trắng đầu. Cảnh tự nhiên chưa bị hoen ố bởi những tấm biển quảng cáo. Tạo vật được kính trọng đến cả trong những tiếng động. Ngoài cái bản đàn của những sóng khơi và gió ngàn thông, tịch không có tiếng nhạc hỗn xược của nhà khiêu vũ hay của khách sạn mà mỗi lúc say sưa, người ta lấy dao, lấy thìa, lấy chĩa ba mà gõ vào miệng cốc, thành đĩa, để bắt chước cái tiếng động một chiếc máy chữ của những nước cơ khí hóa đến cả tấm lòng”.
Theo các nhà văn và nghệ sĩ cùng thời, Nguyễn Tuân là người cầm chầu tài hoa khi thưởng thức ca trù. Ông yêu quý kịch hát và ca nhạc dân tộc cổ truyền. Trong “Chùa Đàn”, NXB Quốc văn – 1946, ông viết: “Tôi vốn là một người hay la cà, đắm đuối với tất cả những gì là đàn sáo ca hát. Hát bộ, hát chèo, hát gõ. Ca Huế, ca cải lương Nam Kỳ. Tôi đã đem một phần đời văn sĩ của tôi mà đặt vốn vào đàn hát”. Ở “Chùa Đàn”, người đọc cũng cảm nhận những diễn giải sắc sảo của ông về âm nhạc.
Vào cuối những năm 30 của thế kỷ trước, ở Hà Nội, các sàn nhảy, các quán cà-phê mọc lên. Bên cạnh các thể loại âm nhạc cổ điển, thính phòng và nhạc nhẹ với valse, fox, tango, rumba, bắt đầu có sự pha trộn của thứ nhạc lấy dao, lấy thìa, lấy chĩa ba gõ vào miệng cốc, thành đĩa...
Ở thời kỳ ấy, với đoạn trong “Cửa Đại”, lời cảnh báo của Nguyễn Tuân đã tình cờ gặp lời phán xét của báo chí phương Tây đương thời về cái gọi là âm nhạc của chủ nghĩa tiền phong.
Ở nước Mỹ, Karwai, nhạc sĩ không tên tuổi, bỗng nổi tiếng vì sáng tạo lối đánh “chùm âm” rất đặc biệt, không chơi piano bằng ngón tay mà bằng nắm tay, cả cánh tay và khuỷu tay nữa.
Để cải tiến dàn nhạc nhảy của mình, Kadej đưa vào các nhạc khí mới như: còi ô-tô, còi cảnh sát, mảnh thủy tinh (để đập vỡ), gậy gỗ và dây thép (để cọ xát).
Dàn bè của bản nhạc “Tai nạn xe hơi” Fédéson có ghi: đặt 2 chiếc đĩa thủy tinh trên một cái vò bằng sành, bên cạnh để sẵn một cây gậy sắt hay gỗ. Đến nhịp thứ 9 của chương 4, phải đập tan 2 chiếc đĩa đó, 1 chiếc vào phách thứ hai, 1 chiếc vào cuối phách thứ ba. Scheffer và Anny ở trường phái thực nghiệm Pháp ghi trên dàn bè: “Đoạn này phải có tiếng đệm loảng xoảng của kim loại, tiếng người la hét và tiếng động cơ mô-tô”.
Trong dân gian hiện nay có câu vè: “Quê hương náo nức thi đua/ Quanh năm lễ hội, suốt 4 mùa festival”. Phố cổ quê tôi vốn hiền hậu, thân mật, yên lành. Hiện nay, do kinh tế thị trường, vì kinh doanh du lịch, bởi phải nâng cao đời sống cho người dân... Phố cổ đã có nhiều biến đổi.
Tôi ước mong thiên nhiên và tạo vật của phố cổ được kính trọng đến cả trong những tiếng động.
Trương Đình Quang