300 ngày tìm kiếm MH370

Thứ tư, 06/08/2014 08:13

(Cadn.com.vn) - Một nhà thầu tư nhân có 300 ngày để tìm kiếm xác máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích hôm 7-3.

Chính quyền Australia sẵn sàng công bố giai đoạn tiếp theo nhằm tìm kiếm MH370 trong tuần này, 5 tháng sau khi chiếc Boeing 777-200ER biến mất không để lại một dấu vết.

Cục An toàn Giao thông vận tải Australia (ATSB), dẫn đầu việc tìm kiếm máy bay mất tích theo yêu cầu của chính phủ Malaysia, dự kiến sẽ tham gia chiến dịch này cùng với nhà thầu tư nhân duy nhất. Các hoạt động, theo ATSB tuyên bố là có khả năng bắt đầu vào đầu tháng 9 và sẽ kéo dài một năm. Trong đó, các thiết bị hiện đại nhất sẽ được sử dụng nhằm quét từ từ khu vực rộng và khắc nghiệt 60.000km2 ở nam Ấn Độ Dương. Hiện chưa rõ chính xác cách thức tìm kiếm dưới đáy biển, mà Canberra ước tính tiêu tốn 56 triệu USD, sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng theo các nguồn tin, trong khi ATSB phát triển các chiến lược tìm kiếm tổng thể, nhà thầu tư nhân sẽ chịu trách nhiệm cho các hoạt động tìm kiếm với giới hạn trong 300 ngày.

Sơ đồ mô tả vị trí tìm kiếm mới máy bay MH370. Ảnh: CNN

LẬP BẢN ĐỒ ĐÁY ĐẠI DƯƠNG

Tại khu vực 1.800km ngoài khơi bờ biển tây Australia, 2 tàu khảo sát hiện vẫn tiếp tục làm việc nhằm cung cấp cho các đội tìm kiếm nhiều thông tin về thế giới sâu hàng ngàn mét dưới đại dương.

Đó là tàu khảo sát Zhu Kezhen Trung Quốc và Fugro Equator của Australia, được giao nhiệm vụ tìm kiếm khu vực ưu tiên, mà ATSB xác định rất có thể là “nơi yên nghỉ” của MH370, để từ đó có thể lập bản đồ đáy đại dương khu vực nghi vấn. Một tàu khảo sát Malaysia sẽ sớm tham gia tiến trình tìm kiếm này và việc lập bản đồ dưới nước dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 9. Theo ATSB, dữ liệu các tàu khảo sát thu thập được đang chuyển thành bản đồ địa hình chi tiết. Theo ông Dolan, cho đến nay, bản đồ cho thấy, đại dương sâu từ 1.500-5.000m và địa hình trên diện rộng bao gồm tất cả mọi thứ như trên mặt đất gồm núi, rặng núi và vách đá... David Gallo, một nhà hải dương học và là giám đốc các dự án đặc biệt tại Viện Hải dương học Woods Hole, người tham gia vào việc tìm kiếm máy bay Air France 447 - vốn đâm xuống giữa Đại Tây Dương hồi năm 2009 - nói rằng, việc chi tiết hóa bản đồ đáy đại dương là yếu tố cực kỳ quan trọng nhằm tính toán về các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm ở vùng nước sâu.

Một trong những điểm khó khăn nhất mà ông Gallo chỉ ra, là ở đoạn cuối khu vực tìm kiếm ở phía nam, nơi ông cho là sẽ sâu đến  7.000m. “Phía nam của Broken Ridge là một bức tường khổng lồ...”, ông Gallo giải thích đồng thời khẳng định thêm, chỉ có một vài phần của thiết bị trên toàn thế giới có cơ hội tiếp cận độ sâu như vậy.

BẮT ĐẦU Ở ĐÂU?

Theo yêu cầu trong hồ sơ dự thầu của ATSB, nhà thầu được lựa chọn tìm kiếm MH370 sẽ bắt đầu công việc không muộn hơn một tháng sau khi ký hợp đồng, và hoàn thành việc tìm kiếm 60.000 km2 trong vòng 300 ngày.

Địa điểm bắt đầu tìm kiếm sẽ phụ thuộc vào những gì bản đồ mô tả. “Nếu có một đoạn địa hình khá trơn tru và nông, việc tìm kiếm sẽ dễ hơn và điều này khích lệ tinh thần”, ông Gallo nói. Nhưng thực tế có quá nhiều khu vực cần phải tìm kiếm và điều tồi tệ nhất là con tàu không thể phát hiện ra gì. Mặc dù ông Gallo hoàn toàn tin tưởng vào khả năng quản lý các hoạt động tổng thể của ATSB nhưng nhiều người cho rằng, đội tìm kiếm tìm chưa đúng chỗ. Việc theo dấu MH370 tiếp tục tập trung dọc theo vòng cung thứ 7 - một hành lang dài nhưng hẹp -  mà các chuyên gia tin rằng là nơi cuối cùng bắt được tín hiệu của MH370 qua vệ tinh thông tin liên lạc của Inmarsat. “Tôi có chút lo lắng... là Inmarsat vẫn còn một số nhầm lẫn”, David Soucie, một cựu thanh tra an toàn tại Cục Quản lý Hàng không  Mỹ và là tác giả của cuốn “Tại sao tai nạn máy bay” cho biết.

Nhưng bất chấp những lo ngại và khu vực tìm kiếm rộng lớn, người ta vẫn hy vọng sẽ tìm thấy MH370, để có thể an ủi một phần gia đình những nạn nhân xấu số trên máy bay này.   

Khả Anh