40 năm nghĩa nặng, tình sâu (2)
* Bài cuối: Viết tiếp truyền thống
(Cadn.com.vn) - Thật khó diễn tả hết niềm vui khi mọi người gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, mỗi người đều mang theo trăm ngàn kỷ niệm khắp các chiến trường xưa. Không chỉ thông báo tin vui cho các chú, các bác tham dự buổi gặp mặt về những thay đổi của Đà Nẵng và Quảng Nam sau 40 năm giải phóng, trong suốt chuyến thăm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn và Đại tá Nguyễn Viết Lợi còn vui mừng khi biết trên quê hương Thanh Hóa, Hải Phòng, thế hệ con cháu của các cựu binh đã và đang tiếp bước truyền thống cha anh trên con đường dựng xây quê hương.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn và Đại tá Nguyễn Viết Lợi chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí cán bộ an ninh Hải Phòng tăng cường cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. |
Câu chuyện của gia đình bác Lê Huỳnh Quyên (74 tuổi, hiện ở đường Lê Thánh Tông, TP Hải Phòng)- người may mắn hơn bao đồng đội khác tăng cường cho chiến trường Quảng Đà năm xưa là một minh chứng. Bác Quyên nhận lệnh lên đường vào vùng B Đại Lộc (Quảng Nam) công tác từ năm 1972, đến nay bác vẫn luôn ghi nhớ hình ảnh những bà mẹ xứ Quảng từng chở che cho bác trong những năm chiến đấu. Bác nói, ngày thống nhất, được đoàn tụ cùng gia đình nhưng luôn nghĩ về những đồng đội vĩnh viễn nằm lại chiến trường. 40 năm trôi qua, cứ lúc rảnh rỗi, bác lại lặn lội đến gia đình các đồng chí đã anh dũng hy sinh, thắp nén nhang sưởi ấm cho đồng đội của mình. Về lại quê hương, bác Quyên tiếp tục góp sức xây dựng phong trào QCBVANTQ cho địa phương.
Bây giờ, ngoài trách nhiệm Phó ban liên lạc chiến sĩ an ninh tăng cường cho chiến trường Quảng Đà, bác còn giữ chức Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố suốt nhiều năm. Trong những buổi sinh hoạt tổ hay việc răn dạy con cháu thường ngày, bác luôn lấy tấm gương anh dũng của những đồng chí, đồng đội của mình để nhắc nhở mọi người, rằng phải lấy đó làm tấm gương sáng, phấn đấu rèn luyện, học tập, trở thành người có ích cho xã hội. Bây giờ, 2 người con của bác Quyên đang công tác tại CATP Hải Phòng cũng liên tiếp lập chiến công, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn và Đại tá Nguyễn Viết Lợi rất vui khi đến thăm gia đình liệt sĩ Vũ Đức (xã Hùng Thắng, H.Tiên Lãng, Hải Phòng). Phát huy gương sáng của bố trong chiến trường năm xưa, nay cả 4 người con của liệt sĩ đều đã trưởng thành, đang cống hiến tài sức cho sự phát triển của ngành CA và đều là những chiến sĩ ưu tú. Vợ liệt sĩ Đức - bà Nguyễn Thị Thu (89 tuổi) tâm sự: “Chắc rằng ở nơi chín suối, ông ấy bao năm qua luôn dõi theo bước đi của con mình, phù hộ cho chúng nó. Tôi mừng lắm, nhưng cũng luôn căn dặn con cái phải vững ý chí hơn, phấn đấu hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước, ngành CA giao phó, xứng đáng với những gì bố của chúng và các đồng đội ông ấy năm xưa đã làm được”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn và Đại tá Nguyễn Viết Lợi thăm gia đình liệt sĩ là lực lượng an ninh Thanh Hóa tăng cường cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. |
Chúng tôi biết, không chỉ gia đình liệt sĩ Vũ Đức mà hàng trăm người con, người cháu của các liệt sĩ, chiến sĩ an ninh năm xưa nay đang còn sống cũng đã trưởng thành. Có người làm việc trong ngành CA, người tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành ngoài, ai cũng đang cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Minh chứng cho điều ấy, trong chuyến thăm hơn 10 gia đình liệt sĩ tại Thanh Hóa và Hải Phòng và Hà Nội đợt này, chúng tôi biết có tới gần 33 người con của liệt sĩ đã tốt nghiệp đại học hiện đang phục vụ công tác tại tỉnh nhà và nhiều tỉnh, TP trên cả nước.
Thế hệ cháu liệt sĩ, chiến sĩ an ninh tăng cường cũng có tới trên 100 em hiện là sinh viên đại học, cao đẳng, trong đó nhiều em thi đỗ và theo học đại học an ninh, cảnh sát. Trong các buổi gặp mặt thân mật cũng như trên đường cùng cán bộ CA các địa phương thăm hỏi những gia đình liệt sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn và Đại tá Nguyễn Viết Lợi luôn khẳng định: Mối tình keo sơn gắn bó giữa CA các địa phương luôn được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng kết nghĩa với quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây, nay là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng liên tục dày công vun đắp, xây dựng bền chặt suốt gần nửa thế kỷ qua.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy khó khăn gian khổ, ác liệt, bao lớp cán bộ an ninh ưu tú của nhân dân Thanh Hóa, Hải Phòng đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, tình nguyện hăng hái lên đường chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, Quảng Nam - Đà Nẵng yêu thương, trong đó nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc, không ít người anh dũng hy sinh. Đại tá Nguyễn Viết Lợi tâm sự: 40 năm đã trôi qua, nhưng nghĩa tình thủy chung son sắt, chia ngọt sẻ bùi của các chú, các bác ngày ở chiến trường Quảng Đà, thế hệ trẻ hôm nay luôn mãi khắc ghi. CATP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ phát huy tốt truyền thống của quê hương “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ, “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, ngành và nhân dân tin tưởng giao phó.
Suốt chuyến hành trình này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn và Đại tá Nguyễn Viết Lợi luôn nhắc nhở CBCS trong đoàn rằng, chuyện thăm nom, động viên, tri ân người thân của các liệt sĩ chỉ là nghĩa cử nhỏ, không thể so sánh với công lao và sự hy sinh của các bậc cha, anh vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước để chúng ta được hưởng ngày độc lập, thống nhất đất nước mấy chục năm qua. Vì vậy, mỗi CBCS CATP Đà Nẵng, CA tỉnh Quảng Nam phải tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ ANCT-TTATXH mà Đảng, nhân dân và ngành giao phó; quan tâm chăm lo, hỗ trợ tốt hơn cho thân nhân các liệt sĩ và các con, các cháu liệt sĩ học hành nên người, tiếp tục noi gương truyền thống cha ông, viết tiếp những trang sử hào hùng.
Chia tay những vùng đất kiên trung đã sinh ra những cán bộ an ninh ưu tú, một lòng sống chết trên chiến trường mưa bom bão đạn Quảng Đà năm xưa, chúng tôi tự hiểu rõ, thế hệ con cháu như mình cần phải phấn đấu, rèn luyện nhiều hơn nữa, xứng đáng với những công sức, xương máu mà các anh hùng liệt sĩ, những cán bộ an ninh những địa phương ấy đã gửi lại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng một thời oanh liệt.
Ghi chép: Công Hạnh