Abenomics sẽ “chết yểu”?

Thứ tư, 17/02/2016 10:17

(Cadn.com.vn) - Có phải Nhật Bản sẽ chứng kiến sự kết thúc của chính sách kinh tế “Abenomics”? Và liệu những nỗ lực quy mô lớn để cứu nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã thất bại?

2tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã hạ lãi suất cơ bản xuống -0,1%. Đây là lần đầu tiên, nước này áp dụng lãi suất âm để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài. Chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, thị trường chứng khoán Nhật Bản lao dốc xuống gần 8%, trong khi đó tăng trưởng GDP đang co hẹp lại.

Đây là số liệu đáng thất vọng đối với Thủ tướng Shinzo Abe và trợ thủ đắc lực, Thống đốc ngân hàng Trung ương Haruhiko Kuroda khi điều này tiếp tục chứng minh nền kinh tế vẫn đang lún sâu vào suy thoái. Liệu đây có phải là dấu hiệu cảnh báo sự sụp đổ của chính sách kinh tế Abenomics và sự thất bại của chính quyền Tokyo trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới? Và đâu là nguyên nhân?

Thị trường chứng khoán Nhật Bản liên tục lao dốc khiến giới đầu tư hoang mang.

Già hóa dân số

Khi mới lên nhậm chức, Thủ tướng Abe đã thu hút sự chú ý của dư luận với chính sách Abenomics nhằm khôi phục nền kinh tế đang đi xuống. Và tăng trưởng xuất khẩu được xem là cách duy nhất để khôi phục nền kinh tế đang trì trệ này. Theo đó, cứ 1% tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của đất nước mặt trời mọc thì mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chiếm từ 0,5% đến 0,7%.

Tuy nhiên, Martin Schulz, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Fujitsu cho biết rất khó để Nhật có thể khôi phục lại nền kinh tế đang trong tình trạng ảm đạm. Lý do dễ nhận thấy nhất là dân số đang già đi và giảm mạnh. Dự kiến đến năm 2020, dân số nước này sẽ giảm khoảng 600.000 người/năm. Chuyên gia kinh tế Takuji Okubo của Cty tư vấn Japan Advisors Macro nhận định, với sự thu hẹp nhanh chóng của lực lượng lao động, tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Nhật đang giảm dần xuống 0%.

Trong tương lai, tăng trưởng 0% hay tăng trưởng âm sẽ không còn là điều quá xa xôi với Nhật. Vì vậy, các nhà quản lý đều có cái nhìn bi quan về triển vọng phát triển kinh tế dài hạn tại nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á này. Ông Takuji cho biết thêm hầu hết doanh nghiệp đều tin chính sách Abenomics sẽ “phá sản” và Nhật sẽ quay trở lại tình trạng giảm phát.

Đồng yên rớt giá

Tỷ giá đồng yên sụt giảm khá nhiều so với đồng USD trong khoảng thời gian năm 2012 và 2014.

Tuy nhiên,  2 tuần qua, đồng yên chạm mốc 112 JPY đổi 1 USD. Sự việc này sẽ càng làm nổi rõ thách thức mà chính phủ Thủ tướng Abe đang phải đối mặt trong cuộc chiến kéo nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ và tăng tỷ lệ lạm phát.  Điều này thúc đẩy BOJ quyết định áp dụng lãi suất âm để có thể khiến dòng tiền chảy khỏi Nhật và đổ vào Đức, Mỹ và Trung Quốc. Động thái này cũng làm giảm sức hấp dẫn của đồng yên với vai trò là đồng tiền trú ẩn an toàn.

Chính sách nhập cư

Nền kinh tế Nhật đang ở thời điểm hết sức khó khăn do thiếu nhân lực trẻ, mô hình hoạt động già cỗi, thị trường xuất khẩu dậm chân tại chỗ. Chính sách nhập cư mở chính là cánh cửa gần như là duy nhất cho tương lai của nền kinh tế.

Tuy nhiên, chính sách này rất khó chấp nhận đối với một quốc gia có truyền thống khắt khe với người nước ngoài như Nhật, đặc biệt dưới thời Thủ tướng Abe, một nhà dân tộc chủ nghĩa theo cánh tả. Thế nhưng, đây chính là giải pháp duy nhất tính đến thời điểm hiện tại để Nhật có thể giải bài toán lão hóa dân số và thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai.

Tuệ Khanh

(Theo BBC)