Afghanistan vẫn u ám dưới “bóng ma” Taliban

Thứ hai, 02/09/2019 11:34

Theo giới phân tích, các cuộc tấn công mới nhất này sẽ giúp Taliban củng cố vị trí đàm phán với Mỹ, trong bối cảnh vị thế của nhóm (hiện nắm giữ khoảng một nửa Afghanistan) đang trở nên mạnh nhất kể từ sau khi bị lật đổ vào năm 2001.

Lực lượng an ninh Afghanistan trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Taliban ở tỉnh Kunduz hôm 31-8. Ảnh: AP

Taliban vẫn tấn công thành phố lớn thứ hai ở Afghanistan trong nhiều ngày qua, giết chết một số thành viên của lực lượng an ninh, trong bối cảnh phái viên hòa bình của Washington nói rằng, Mỹ và nhóm phiến quân đang ở ngưỡng cửa của một hiệp định chấm dứt chiến tranh.

Cho đến ngày 1-9, cuộc tấn công vào thủ phủ của tỉnh Baghlan vẫn đang tiếp diễn. Phát ngôn viên của cảnh sát trưởng tỉnh, Jawed Basharat, nói rằng, tiếng súng vẫn nổ ở ngoại ô Puli Khumri. Vụ tấn công xảy ra chỉ vài giờ sau khi đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad nói rằng, ông đã cảnh báo Taliban trong các cuộc đàm phán ở Qatar rằng, phải chấm dứt nạn bạo lực như thế này. Và ông dường như quyết tâm tiến đến một thỏa thuận, trong đó Mỹ có kế hoạch rút khoảng 14.000 quân đội còn lại để đổi lấy việc Taliban đảm bảo rằng, Afghanistan sẽ không còn là nơi được sử dụng làm bệ phóng cho các cuộc tấn công toàn cầu của nhóm này.

Tấn công liên tiếp

Ông Khalilzad đã đến Kabul hôm 1-9 để thông báo cho chính phủ Afghanistan về một thỏa thuận chưa hoàn tất với Taliban.

Cả ông và Taliban đều xác nhận vòng đàm phán mới nhất đã kết thúc. Các cuộc đàm phán về phương thức chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 18 năm qua ở Afghanistan đã diễn ra tại Doha, thủ đô của Qatar, nơi vòng đàm phán thứ 9 đã bắt đầu hồi tuần trước. Trong đó, nhóm phiến quân Taliban cho biết đã tiến gần tới sự “nhất trí cuối cùng” với các quan chức Mỹ về một thỏa thuận mà sẽ chứng kiến việc các lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan để đổi lấy cam kết rằng quốc gia Tây Nam Á này sẽ không trở thành nơi trú ẩn cho những nhóm phiến quân Hồi giáo khác.

Nhưng trong bối cảnh đó, Taliban vẫn mở các cuộc tấn công lớn ở Afghanistan. Vì sao như vậy? Theo giới phân tích, các cuộc tấn công mới nhất này sẽ giúp Taliban củng cố vị trí đàm phán với Mỹ, trong bối cảnh vị thế của nhóm (hiện nắm giữ khoảng một nửa Afghanistan) đang trở nên mạnh nhất kể từ sau khi bị lật đổ vào năm 2001. Bộ Nội vụ nước này cho biết Taliban đã bị xóa khỏi thành phố này nhưng một số phần tử cực đoan đã trốn đến đây để hành động. Một số người cảnh báo, Taliban chỉ đang chờ đợi Mỹ phản đòn và rằng một mục tiêu khác của Washington trong các cuộc đàm phán - ngừng bắn - có thể sẽ không xảy ra khi quân đội nước ngoài rời đi.

Kunduz cũng rung chuyển

Vụ tấn công trên xảy ra chỉ 1 ngày sau khi Taliban tấn công Kunduz, một trong những thành phố lớn nhất của Afghanistan và vốn đã thường xuyên chứng kiến các vụ tấn công kể từ năm 2015.

Theo các quan chức Afghanistan, vụ tấn công bắt đầu vào khoảng 1 giờ khi các tay súng Taliban tấn công thành phố từ nhiều hướng. Theo AFP, một phần tử đánh bom liều chết của phiến quân Taliban tấn công một quảng trường chính tại thành phố Kunduz, nơi các lực lượng Afghanistan đã được triển khai để bảo vệ thành phố không bị rơi vào tay của Taliban. Người phát ngôn cảnh sát Kunduz, Sayed Sarwar Hussaini nêu rõ: “Cho đến nay, 8 tay súng Taliban bị tiêu diệt ở phía Tây và Đông Kunduz. Các lực lượng đặc công đã đến và đang cố gắng đẩy lùi các cuộc tấn công của Taliban”. Trong khi đó, người phát ngôn Taliban cho biết, cuộc tấn công đã giúp lực lượng này giành được một số công trình quan trọng.

Trước đó cùng ngày, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Asadullah Khalid thông báo, các lực lượng đặc biệt nước này đẩy lùi một cuộc tấn công của Taliban nhằm vào thành phố Kunduz. Hãng thông tấn TOLO dẫn lời quyền Bộ trưởng Khalid cho biết, các lực lượng chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát thành phố này.  Ngoài ra, TOLO cũng dẫn lời Cơ quan An ninh quốc gia Afghanistan cho biết, ít nhất 35 tay súng Taliban, trong đó có một thủ lĩnh chủ chốt, đã bị tiêu diệt trong chiến dịch quân sự tại Kunduz.

KHẢ ANH