Ai Cập - càng gỡ càng rối

Thứ bảy, 27/07/2013 10:50

* CỰU TỔNG THỐNG MORSI BỊ BẮT GIỮ

(Cadn.com.vn) - Trát bắt giữ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi dường như đã đóng sập cánh cửa đến ổn định và hòa bình của Ai Cập.

Bất chấp những nỗ lực hòa giải ở trong và ngoài nước, một tòa án hàng đầu Ai Cập ngày 26-7 ra lệnh bắt giữ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi trong 15 ngày để thẩm vấn về hàng loạt cáo buộc. Động thái này rõ ràng chỉ càng nhấn chìm “đất nước của các Pharaon” vào vũng bùn không lối thoát.

Reuters còn cho biết, thời gian tạm giữ ông Morsi có thể kéo dài do cuộc điều tra vẫn tiếp diễn liên quan đến cáo buộc câu kết với phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine để vượt ngục năm 2011 và đặc biệt là cáo buộc giết các binh sĩ. Theo đó, ông Morsi sẽ bị thẩm vấn về các cáo buộc liên quan tới vụ vượt ngục của hàng chục thủ lĩnh nhóm Anh em Hồi giáo trong cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ người tiền nhiệm của ông Morsi - Tổng thống Hosni Mubarak. Tuy nhiên, các quan chức của Tổ chức Anh em Hồi giáo (MBO) cho biết, người dân địa phương hỗ trợ vụ vượt ngục chứ không phải người nước ngoài.

 Đụng độ giữa người ủng hộ và phản đối Tổng thống bị lật đổ Morsi. Ảnh: CNN

“QUYẾT CHIẾN”

Trát bắt giữ được đưa ra chỉ vài giờ trước khi hàng triệu người Ai Cập xuống đường biểu tình chống lại nhà lãnh đạo được bầu cử tự do đầu tiên của Ai Cập này theo lời kêu gọi của Tư lệnh quân đội Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang suốt 3 tuần sau khi quân đội phế truất Tổng thống Morsi, lời hiệu triệu của ông Al-Sisi làm dấy lên nguy cơ bạo lực còn đẫm máu hơn. Những người Hồi giáo tại Ai Cập cảnh báo lời kêu gọi này sẽ gây “nội chiến” trước thềm cuộc biểu tình quy mô lớn của họ cũng vào ngày 26-7 để yêu cầu phục chức cho ông Morsi. Cả hai bên đều cảnh báo về một cuộc quyết đấu, có thể nhấn chìm tương lai đất nước đông dân nhất thế giới Arab vốn bị chấn động bởi bất ổn chính trị và kinh tế kể từ năm 2011.

Bỏ qua đề xuất một kế hoạch nhằm làm dịu căng thẳng của Thủ tướng Hisham Qandil dưới thời Tổng thống bị phế truất Morsi, quân đội ra “tối hậu thư” 48 tiếng cho MBO để tham gia hòa giải chính trị (tất nhiên do quân đội đưa ra) sau khi úp mở về khả năng sử dụng những chiến thuật cứng rắn hơn với tổ chức này. Trước đó, quân đội Ai Cập đánh tiếng sẽ thay đổi chiến lược đối phó với “bạo lực và khủng bố” nhằm vào những cuộc biểu tình ngày 26-7 để ủy quyền cho lực lượng vũ trang đương đầu với bạo lực. Quân đội quyền lực của quốc gia Pharaon này cũng nhấn mạnh sẵn sàng chĩa súng vào bất cứ người nào liên quan đến bạo lực và khủng bố.

Thời hạn cuối cùng kết thúc kháng cự và đi theo con đường do quân đội thiết lập để đi vào cuộc bầu cử mới, báo hiệu một bước ngoặt trong cuộc đối đầu. Nhưng người ta dự đoán, MBO sẽ không chấp nhận lời đề nghị “khá thất lễ” từ quân đội. Và rồi, người ta lại phải chứng kiến một Ai Cập phân cực sâu sắc từ sau cuộc đảo chính đến những làn sóng biểu tình đổ máu. Một cảm giác quan ngại và lo sợ tràn ngập các cuộc điện đàm giữa giới lãnh đạo các nước lớn.

“BÓNG Ở BÊN SÂN QUÂN ĐỘI”

Một hồi chuông báo động vang lên ở tận phương Tây xa xôi về tình hình Ai Cập, quốc gia quan trọng giữa Trung Đông và Bắc Phi và là “kẻ hưởng lợi” 1,5 tỷ USD viện trợ quân sự hằng năm từ Mỹ.

Bày tỏ sự không hài lòng đối với quân đội Ai Cập, Washington trong tuần này hoãn giao 4 máy bay chiến đấu F-16 cho Cairo và kêu gọi quân đội nước này phải “kiềm chế và thận trọng tối đa” đồng thời cố gắng hết sức để ngăn chặn các vụ đụng độ giữa những người biểu tình đối nghịch. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố trước các nghị sĩ rằng, Nhà Trắng không có kế hoạch đánh giá liệu đảo chính quân sự có diễn ra ở Ai Cập hay không. Động thái này nhằm tránh phải ra quyết định tự động cắt viện trợ cho Ai Cập, hầu hết đều đổ vào túi quân đội.

Trong bối cảnh quân đội quyền lực của Ai Cập đang tỏ ra quá lạm quyền và rõ ràng họ tổ chức đảo chính lật đổ Tổng thống Morsi, thiết nghĩ Nhà Trắng nên cân nhắc lại quyết định của mình. Bởi lẽ, để nền chính trị Ai Cập đi vào khuôn khổ, quân đội cần đứng sang một bên và cho phép một tiến trình chuyển giao hòa bình sang thể chế cầm quyền dân sự như một nguyên tắc căn bản.

Khả Anh