Ai đứng sau vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh? (Kỳ 1: Phá rừng để... trồng rừng!)

Thứ sáu, 15/09/2017 13:50

Những năm gần đây, rừng phòng hộ đầu nguồn Tiên Lãnh (thuộc xã Tiên Lãnh, H.Tiên Phước, Quảng Nam) bị các đối tượng “cạo trọc” không thương tiếc. Điều đáng nói, mặc dù vụ việc đã được người dân nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn. Hậu quả, đến nay hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ nơi đây đã bị xóa sổ để lấy đất trồng cây keo, còn gỗ thì được các đối tượng “tận thu” đưa về xuôi tiêu thụ. Vụ việc đang gây bức xúc dư luận tại địa phương.

Rừng phòng hộ Tiên Lãnh với những cây gỗ to bị triệt hạ.

Tiên Lãnh là một trong ba xã thuộc vùng Lãnh Ngọc Hiệp có diện tích rừng tự nhiên khá lớn còn sót lại. Chỉ riêng xã Tiên Lãnh, diện tích rừng phòng hộ nơi đây khoảng 2.000ha. Những năm gần đây, khi cây keo có giá thì người dân đua nhau mở rộng diện tích bằng cách… phá rừng.

Theo phản ảnh của người dân, ngày 11-9, chúng tôi về xã Tiên Lãnh để tìm hiểu thực hư sự việc. Thấy chúng tôi về địa phương, người dân rất vui mừng, phấn khởi. Trò chuyện với mọi người, ai cũng khẳng định tình trạng phá rừng tại địa phương đã và đang diễn ra ngày một ngang nhiên, ráo riết như thách thức dư luận. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị dẫn đường vào những cánh rừng bị cạo trọc trên thì ai nấy đều lắc đầu từ chối vì sợ bị trả thù. Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng cũng vì cái chung nên ông P. (một người địa phương) chấp nhận dẫn đường cho chúng tôi và kèm theo lời dặn, cũng là điều kiện đưa ra: “Mấy chú bỏ bớt phương tiện ghi hình ở nhà, phải ngụy trang như người vào rừng hái nấm, hái rau thì mới thâm nhập được”.

Để thâm nhập hiện trường rừng bị tàn phá, xuất phát từ khu vực đang xây dựng thủy điện Sông Tranh 3, men theo lối mòn, chúng tôi chạy xe máy khoảng 30 phút đến khu vực Nà Cau - điểm ranh giới bắt đầu vào Tiểu khu 557 thuộc rừng phòng hộ Tiên Lãnh. Bỏ xe máy bên bìa rừng, lội qua suối Nà Cau lên đến dốc Giằng Mặt, mất hơn 1 giờ cuốc bộ chúng tôi đến khu vực Đuôi Dài. Khi đến nơi, cảnh rừng bị phá dần lộ rõ. Trước mắt chúng tôi là khoảng rừng hơn 10ha đã bị đốn hạ cách đây khoảng 6 tháng. Những cây có đường kính 60-80cm đã bị cưa lấy gỗ. Những cây có đường kính từ 20-50cm vẫn còn trơ gốc, bao phủ bởi lớp cháy đen.

Những cây gỗ to đã bị cưa xẻ tại chỗ để lấy gỗ.

Vừa đi, ông P. vừa cho biết, rừng phòng hộ Tiên Lãnh giờ chỉ còn 2 tiểu khu 556 và 557. Những tiểu khu khác như 551, 552, 553 đã bị “xóa sổ” cách đây vài năm. Hiện tại, những khu vực rừng bị “xóa sổ” cây keo đã lớn và có thể khai thác. Tiếp tục men theo bờ Sông Tranh khi đến suối Cửa Cá đổ ra Sông Tranh, một con đường mòn dành cho trâu kéo gỗ hiện ra. Mức độ mòn của con đường âm sâu xuống đất cả mét. Điều đó cho thấy lượng gỗ mà trâu đã kéo qua đây vô cùng khủng khiếp. “Phía trong rừng bị chặt hạ hết rồi, họ để lại một ít cây phía ngoài làm bình phong. Do đó, đứng từ xa rất khó phát hiện, phải đi vào trong mới chứng kiến rừng bị chặt phá tan hoang” - ông P. cho hay.

Một đối tượng dùng trâu kéo gỗ ra khỏi rừng.

Đúng như lời ông P. nói, tiếp tục tiến vào bên trong cả khu rừng nguyên sinh rộng lớn hàng chục héc-ta bị đốn sạch. Bạt ngàn cây gỗ lớn hơn một người ôm nằm ngổn ngang. Tại hiện trường, những loài gỗ quý được cắt khúc theo khuôn khổ, thứ đã cưa xẻ dùng trâu kéo đưa tra khỏi rừng, thứ chưa kịp khai thác hoặc nhỏ hơn đang còn nằm lại. Các đối tượng xẻ gỗ tại chỗ, nhiều khúc gỗ to, tốt được xẻ thành phách, đã vận chuyển ra khỏi khu rừng. Nhiều thân cây lớn bị triệt hạ ngã đổ tứ phía, chắn ngang lối đi... Ở tiểu khu này là khu vực đồi núi cao, giáp với H. Bắc Trà My, ô-tô không thể vào được, nên để đưa gỗ về xuôi, chỉ có cách dùng trâu kéo gỗ ra khỏi rừng rồi kết bè thả xuống Sông Tranh, sau đó tập kết và vận chuyển về đồng bằng tiêu thụ. Với diện tích rừng đã bị tàn phá, các đối tượng đã đốt sạch để chuẩn bị trồng keo. Đến thời điểm này, cây keo đã lên cao khoảng 0,5m.

Có đi thực tế mới thấy, rừng ở đây bị tàn phá thật khủng khiếp. Thế nhưng khi gặp một người đàn ông đi tìm tổ ong mật, ông này bật mí: “Đây chưa là gì đâu, ở tiểu khu 556 kế bên, diện tích rừng tự nhiên bị phá gấp nhiều lần...”. Theo lời chỉ dẫn của người đàn ông trên, chúng tôi quyết định thâm nhập tiểu khu 556. Tuy nhiên, để đến được đó phải mất 4 giờ đi bộ. Để chuẩn bị cho chuyến đi, chúng tôi trở ra khỏi rừng tìm một nhà dân tá túc qua đêm. Khi vừa ra khỏi rừng, cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống báo hiệu chuyến đi núi hôm sau sẽ là chuyến đi đầy khó khăn...

B.BÌNH - LÊ VƯƠNG
(còn nữa)