Ai oán thủy điện!

Thứ ba, 12/08/2014 08:31

(Cadn.com.vn) - Một lần nữa, cơn "lũ thủy điện" Ia Krel 2 xảy ra ngày 1-8 đã biến vùng hạ du của xã Ia Dom (H. Đức Cơ, Gia Lai) tan hoang như bị trận bom dội xuống. Hàng trăm héc-ta cây lương thực, cây công nghiệp của người dân bị cuốn trôi, san bằng trong đất, đá. 8 khu vực, làng, bản của người dân bị ảnh hưởng nặng nề khiến hàng trăm hộ dân ở đây tiếp tục oán than thủy điện.

Tan hoang vùng hạ du

Trở lại vùng hạ du của xã Ia Dom sau cơn "đại hồng thủy" do vỡ đê quây thủy điện Ia Krel 2, tiếp chúng tôi, ông Ngô Hữu Thiện- Chủ tịch UBND xã Ia Dom, cho biết: "Dù may mắn không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân trong đợt "lũ thủy điện" lần 2 này chắc chắn lớn hơn lần vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 năm ngoái".

Theo thống kê của UBND xã Ia Dom, "lũ thủy điện" năm nay gây thiệt hại cho 179 hộ dân của xã, gần 400ha mỳ, cà-phê, điều, cao su, lúa, bắp và hoa màu bị tàn phá, gần 1.700 trụ tiêu bị hư hỏng cùng nhiều tài sản khác của người dân bị nước cuốn trôi. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Còn về phía Cty cao su 72 thuộc Tổng Cty 15 có khoảng 30ha cao su (3 năm tuổi) bị gãy, đổ, đất cát vùi lấp hoàn toàn, ước tính thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng.

Vợ chồng nhà Rơmah Dat lầm lũi đi về bên rẫy mỳ, ruộng lúa của mình bị xóa trắng.

Dẫn chúng tôi vào khu vực thiệt hại nặng nhất tại chốt Bắc (thuộc khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh) vùng cuối hạ du của xã Ia Dom, ông Thiện cho biết: Trước đây khu vực này rẫy mỳ, bắp tươi tốt nhưng giờ biến thành bình địa hết cả. Hàng triệu mét khối nước từ hồ chứa thủy điện Ia Krel 2 ùn ùn đổ về cuốn phăng nương, rẫy của hàng trăm hộ dân ở các làng Bi, Mook Đen, Mook Trê, Mook Trang, Ó, Ia Mut và khu vực Cửa khẩu. Dòng nước rút đi, những rẫy mỳ ngã rạp trơ những củ non, hàng nghìn trụ tiêu xơ xác, hàng chục héc-ta cao su gãy, đổ không thể cứu vãn.

Gặp vợ chồng Rơmh Dat (trú làng Mook Trang) đang ra kiểm tra ruộng lúa, rẫy mỳ của mình, 2 vợ chồng bần thần cho biết: "5 sào lúa và 8 sào mỳ của mình không còn nữa, đất, đá nó lấp hết rồi, còn gì nữa đâu. Không biết sau có gì ăn không nữa. Nhà mình 7 đứa con, giờ chỉ sợ con đói thôi!". Tháng 6-2013, lần thứ nhất đập thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ, 3 sào mỳ của vợ chồng anh cũng thiệt hại nhưng vẫn vớt vát được chút ít, còn năm nay coi như mất trắng. Không chỉ nhà Rơmah Dat mà còn nhiều người dân khác canh tác tại khu vực chốt Bắc này cũng hoang mang khi bao nhiêu công sức bấy lâu nay bị "lũ thủy điện" cướp sạch.

Những vườn cao su tan hoang sau cơn "lũ thủy điện".

Lỗi tại... ai?

Có lẽ điều ai cũng biết nguyên nhân đê quây thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ là do việc thi công theo kiểu vô trách nhiệm của chủ đầu tư là Cty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long- Gia Lai và sự du di của cơ quan quản lý khi để mặc thủy điện thi công "ẩu".

Ngày 12-6-2013, đập thủy điện Ia Krel 2 vỡ đã được xác định là do chất lượng thi công yếu kém và lần này cũng vậy. Chưa kể là việc quản lý an toàn hồ, đập gần như bị chủ đầu tư bỏ qua. Bởi sau sự cố vỡ đập lần 1 thì công trình này bị đình chỉ và chỉ được thi công sau khi đền bù thiệt hại toàn bộ cho người dân bị ảnh hưởng. Đền bù xong, không cần một văn bản đồng ý nào của Sở Công Thương Gia Lai, thủy điện này lại tự ý thi công, đắp đập quây tích nước nhưng không hiểu sao Sở này không hay, không biết.

Chỉ đến khi UBND H. Đức Cơ phát hiện và có văn bản báo cáo Sở Công Thương, UBND tỉnh Gia Lai thì ngày 15-5-2014, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương, UBND H. Đức Cơ và chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của các cơ quan báo chí và người dân địa phương về sự an toàn của công trình này, chủ đầu tư vẫn tích nước khi Gia Lai đang vào cao điểm mùa mưa, lũ.

Bên cạnh đó, sau khi nhận Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước và Chỉ thị số 07/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý an toàn đập thủy điện trong mùa mưa lũ năm 2014 cũng như chỉ thị của UBND tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra. Những tưởng việc làm xem thường tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du của thủy điện Ia Krel 2 khi tích nước bằng đê quây tạm bợ sẽ được phát hiện. Nhưng ngược lại, qua đợt kiểm tra kết thúc vào giữa tháng 7-2014, Sở này không đưa ra một cảnh báo nào về việc tích nước nguy hiểm của đập thủy điện Ia Krel 2. Và rồi điều gì đến cũng phải đến! Thêm một lần nữa, người dân nghèo lại oằn vai gánh chịu hậu quả không đáng có.

Bài, ảnh: M.Tân