Ấn Độ - "Công thần" bị lãng quên

Thứ năm, 18/06/2015 10:25

(Cadn.com.vn) - Những con số đáng kinh ngạc: hơn 3 triệu người Bengal chết bởi nạn đói; hơn 500.000 người tị nạn Nam Á chạy trốn đến Myanmar; 2,3 triệu quân nhân Ấn Độ và 89.000 người chết trong các hoạt động quân sự thời Thế chiến II.

Thực tế, Nam Á thay đổi đáng kể trong những năm Thế chiến II khi Ấn Độ trở thành đơn vị đồn trú rộng lớn và là mặt trận cho cuộc chiến chống Nhật ở Đông Nam Á. Ngoài các số liệu thống kê, những câu chuyện của các cá nhân cho thấy, vai trò của New Delhi trong cuộc chiến rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, hầu như những đóng góp của quốc gia Nam Á này trong thế chiến II đã bị lãng quên?

Những câu chuyện chưa được kể

Mọi người đều đã nghe nói về các Gurkhas và về vai trò của những người lính Ấn Độ tại các trận đánh lớn như Tobruk, Monte Cassino, Kohima và Imphal.

Quân đội Thứ XIV -  lực lượng đa quốc gia của Anh, Ấn Độ và Châu Phi đã thay đổi thủy triều tại Châu Á bằng cách chiếm lại Myanmar cho Phe Đồng Minh. 30 người Ấn Độ được trao Huân chương Chữ thập Victoria - phần thưởng cao quý của Nữ hoàng Anh và Vương quốc Anh - trong những năm 1940. Càng ngày, sự đóng góp của những người lính từ khối các nước từng là thuộc địa của Anh trong cả hai cuộc Thế chiến I và II, được đưa ra ánh sáng. Nhưng còn những người đã bị cuốn vào cuộc chiến này thì như thế nào?

Nhiều người dân Ấn Độ đứng sau hậu trường để đảm bảo các tuyến đường cung cấp hàng hóa và hỗ trợ cho Phe Đồng minh. Họ không tham gia chiến đấu trực tiếp nhưng làm những việc như đầu bếp, thợ may, thợ cơ khí và giặt giũ. Chẳng hạn như một thợ đóng ủng cho quân đội Ấn Độ có tên Ghafur, đã chết trong trận Keren và mộ của ông vẫn nằm tại đó cho đến nay. Hàng ngàn phụ nữ khai thác than trong thời kỳ chiến tranh ở Bihar và miền Trung Ấn Độ. Họ làm việc cho đến ngày sinh con. Các băng nhóm lao động đồn điền từ miền nam Ấn Độ di chuyển lên vùng núi đông bắc mở đường hướng đến Myanmar và Trung Quốc.

Có hàng triệu người làm việc phục vụ cho chiến tranh của đế quốc nhưng chưa bao giờ được nhắc đến. Đó không phải là công việc hấp dẫn: bốc dỡ hàng hóa tại cảng hay giải phóng mặt bằng cho sân bay, nhưng lại rất nguy hiểm. Hàng ngàn người lao động Châu Á đã thiệt mạng khi xây dựng đường xá nguy hiểm, trong đó có tuyến đường Ledo nối Trung Quốc và Ấn Độ. Họ chết vì bị nhiễm bệnh sốt rét và các bệnh nhiệt đới khác.

Hơn 2 triệu binh sĩ Ấn Độ tham gia vào Thế chiến II. Ảnh: BBC

Nghĩa vụ hay quyền lợi?

Nhiều người khác đã chết do tai nạn công nghiệp. Cảng Bombay là nơi chứng kiến những vụ nổ khủng khiếp. Vào năm 1944, khi một chiếc tàu chở chất nổ và bông bắt lửa, thổi tung các tàu chiến và khiến hơn 80.000 người trở thành vô gia cư.

Công nhân nhà máy và công nhân các xưởng đóng tàu cũng hứng chịu các vụ bắn phá trên không - các con số chính thức cho thấy, hàng ngàn người chết do bom của Nhật trên bờ biển phía đông Ấn Độ. Những người đàn ông và phụ nữ đã tham gia chiến tranh không nghĩ rằng, họ là một phần hào hùng của lịch sử thế giới, xứng đáng được đưa vào sử sách. Các sĩ quan Anh đã viết hàng trăm nhật ký về thời gian họ chiến đấu ở Nam Á, nhưng không một công nhân xây dựng đường hay một thợ mỏ Ấn Độ nào viết hồi ký như thế.

Những người Ấn Độ hành động không phải vì chủ nghĩa anh hùng hay lòng yêu nước; nhiều người trong số họ lao động để kiếm bánh mì chứ không phải là để đánh bại chủ nghĩa phát xít. Họ sớm có cuộc sống mới sau sự phân vùng và thành lập các nước mới vào năm 1947. Trong lúc vội vã để viết lịch sử mới của các quốc gia sau năm 1947, phần lớn lịch sử của những năm 1940 bị quên. Còn ở Anh và Mỹ, lịch sử chủ yếu tập trung vào những đóng góp của quân cho các trận đánh lớn, mà không hề đề cập đến đời sống hàng ngày của những người lao động vô danh.

Đây không phải là "đội quân bị lãng quên", mà có lẽ, họ không được ghi nhận là lực lượng đã tham gia vào cuộc chiến.

An Bình
(Theo BBC)