Ấn độ đáp trả kinh tế Trung Quốc: Lợi bất cập hại

Thứ hai, 06/07/2020 11:42

Giới chuyên gia cho rằng, hầu hết các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Trung Quốc sẽ gây hại cho Ấn Độ nhiều hơn.

WeChat, ứng dụng giao tiếp phổ biến của Trung Quốc, đã bị cấm ở Ấn Độ.  Ảnh: iStock

Trả đũa mạnh mẽ

Hôm 15-6, hai nước nổ ra đụng độ quân sự trên một dải biên giới của dãy núi Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đây là cuộc đụng độ biên giới nghiêm trọng nhất trong hơn nửa thế kỷ giữa hai nước. Khi tình hình căng thẳng biên giới leo thang, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã phải đối mặt với áp lực chính trị trong việc đáp trả nước láng giềng.

Hôm 29-6, New Delhi đã ra lệnh cấm 59 ứng dụng di động của các Cty hoặc nhà phát triển Trung Quốc, trong đó có TikTok vốn rất được ưa chuộng ở quốc gia Nam Á, với lý do “gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, bảo vệ Ấn Độ, an ninh quốc gia và trật tự công cộng”. Lệnh cấm của Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ được coi là một biện pháp phòng thủ, nhằm bảo vệ công dân khỏi việc bị các phần tử thù địch khai thác dữ liệu cá nhân cũng như đảm bảo an ninh quốc gia. Rất ít người Ấn Độ cho rằng, ý định thực sự của New Delhi là trả đũa. Thủ tướng Modi cũng quyết định xóa tài khoản trên Weibo - nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc tương tự Twitter ở phương Tây - nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh về vấn đề biên giới, mặt trận kinh tế và “ở cấp độ cá nhân”, hãng thông tấn PTI dẫn lời ông B.L. Santhosh – một lãnh đạo của đảng BJP cầm quyền – cho biết.

Tiếp theo, ngày 2-7, New Delhi tuyên bố sẽ không cho phép các Cty Trung Quốc tham gia vào các dự án cao tốc, kể cả các đơn vị thông qua liên doanh. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ấn Độ Nitin Gadkari khẳng định, một chính sách sẽ được ban hành để sớm loại bỏ các Cty Trung Quốc và nới lỏng các tiêu chuẩn cho các Cty Ấn Độ để họ có thể tham gia vào các dự án cao tốc. Ông Gadakri cho biết, New Delhi cũng sẽ đảm bảo các nhà đầu tư Trung Quốc không tham gia vào nhiều lĩnh vực khác.

Kể từ sau cuộc xung đột ở biên giới, người dân Ấn Độ đã xuống đường biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Một số nhà phân tích Ấn Độ còn kêu gọi áp thuế cao đối với mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cùng các biện pháp hạn chế khác. Liên đoàn doanh nghiệp Ấn Độ, tổ chức đại diện cho khoảng 70 triệu thương nhân và nhà bán lẻ địa phương, đã phát động phong trào tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và chuẩn bị một danh sách gồm 500 sản phẩm có thể sản xuất tại địa phương thay vì mua từ Trung Quốc. Bộ trưởng Tư pháp và trao quyền xã hội Ấn Độ Ramdas Athawale thậm chí còn yêu cầu cấm các nhà hàng bán đồ ăn Trung Quốc, cho dù đề xuất này không được dư luận ủng hộ.

Phụ thuộc thương mại

Có những phản ứng từ người dân lẫn chính phủ, nhưng nhiều người tại Ấn Độ cũng nhanh chóng nhận ra, việc thoát ly khỏi kinh tế Trung Quốc là nói dễ hơn làm.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng từ 3 tỷ USD năm 2000 lên mức cao nhất mọi thời đại là 95 tỷ USD vào năm 2018. Cán cân thương mại nghiêng về phía Trung Quốc khi xuất khẩu của nước này gấp 4 lần nhập khẩu từ Ấn Độ. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc là mức thâm hụt lớn nhất trong tất cả đối tác kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc không chỉ vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà còn gây tổn hại tới người tiêu dùng Ấn Độ khi họ buộc phải mua nhiều sản phẩm với mức giá cao hơn. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà sản xuất Ấn Độ, bao gồm cả các nhà xuất khẩu khi họ phải nhập nhiều nguyên liệu trung gian từ Trung Quốc.

Trên thực tế, theo giới quan sát, mức phạt nặng đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ làm tê liệt một số ngành công nghiệp của Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này đang nhập khẩu hơn 70% thiết bị viễn thông và hoạt chất cũng như hơn 80% thiết bị bán dẫn và kháng sinh từ nước láng giềng. Trong khi đó, tác động của sự trả đũa thương mại như vậy đối với Bắc Kinh sẽ là không đáng kể, do New Delhi chỉ chiếm 3,2% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

Các khoản đầu tư lớn

Đầu tư được đánh giá là lĩnh vực Ấn Độ có thể chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột với Trung Quốc.

Theo tính toán của Chính phủ Trung Quốc, chỉ trong 3 năm từ 2014-2017, đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đã tăng gấp 5 lần lên khoảng 8 tỷ USD. Tuy nhiên, một nghiên cứu được Viện Brookings Ấn Độ công bố vào tháng 3 năm nay chỉ ra rằng con số này thấp hơn nhiều so với thực tế. Nghiên cứu ước tính tổng số tiền đầu tư hiện tại và theo kế hoạch của Trung Quốc vào Ấn Độ là 26 tỷ USD. Theo tổ chức tư vấn chiến lược Gateway House, các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, dẫn đầu là Alibaba và Tencent, cũng đã đầu tư ít nhất 4 tỷ USD vào các Cty khởi nghiệp Ấn Độ.

Vì vậy, mặc dù ngày càng tỏ thái độ thù địch, nhưng các nhà phân tích nhận định, Ấn Độ sẽ không khôn ngoan nếu tìm cách kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư của Trung Quốc, vốn không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp Ấn Độ mà còn đang tạo ra hàng trăm nghìn việc làm.

AN BÌNH