Ấn Độ và các kịch bản trả đũa Pakistan

Thứ sáu, 22/02/2019 15:30

Vụ đánh bom tự sát khiến hơn 40 cảnh sát bán quân sự Ấn Độ ở Kashmir thiệt mạng vào tuần trước đang phủ bóng lên quan hệ Ấn Độ-Pakistan. Islamabad phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong cuộc tấn công do nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammed (JeM) có căn cứ tại nước này thực hiện. Với cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ đang đến gần, chính phủ chịu áp lực phải đáp trả, hoặc ít nhất phải chứng minh, những hành động đó không phải là không gây hậu quả. Ấn Độ hiện đang đứng trước nhiều lựa chọn ngoại giao, kinh tế và quân sự đối với Pakistan.

Hiện trường vụ đánh bom ở Kashmir. Ảnh: Reuters

Ấn Độ khẳng định không chia sẻ thông tin vụ khủng bố cho Pakistan

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này sẽ không cung cấp bất cứ bằng chứng nào cho Pakistan liên quan đến vai trò của ban lãnh đạo tối cao nhóm JeM trong vụ tấn công khủng bố ở Pulwama hôm 14-2.

Theo quan chức này, thay vào đó, New Delhi sẽ chuyển bằng chứng cho các quốc gia thân thiện trên thế giới để vạch trần sự dính líu của các lực lượng đóng căn cứ ở Pakistan trong thực hiện hành vi khủng bố tại lãnh thổ Ấn Độ. Thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm 19-2 khẳng định sẽ hành động chống lại những kẻ gây ra vụ tấn công ở Pulwama khiến hơn 40 nhân viên an ninh thiệt mạng, nếu Ấn Độ chia sẻ "thông tin tình báo có thể dẫn đến hành động".

B.N

Thay đổi quan hệ ngoại giao?

Quan hệ chính trị giữa Ấn Độ và Pakistan bị đóng băng trong gần 3 năm qua. Trong 2 năm đầu sau khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mời người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif đến lễ nhậm chức, nối lại các cuộc hội đàm giữa các cố vấn an ninh quốc gia, thực hiện chuyến thăm đột xuất tới thành phố Lahore và phê chuẩn các kế hoạch hợp tác điều tra chống khủng bố, động thái này vấp phải nhiều chỉ trích.

Nhưng Pakistan đáp trả những nỗ lực này bằng cách nã pháo vào Đường Kiểm soát ngăn cách hai bên, khăng khăng đòi gặp phe ly khai Kashmiri ở Ấn Độ, bắt giữ và kết án tử hình một người bị cáo buộc là điệp viên Ấn Độ. Vài ngày sau khi ông Modi và ông Sharif gặp nhau ở Lahore để khởi xướng một sáng kiến hòa bình, 6 binh sĩ đã thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào một căn cứ không quân Ấn Độ ở Pathankot. Các quan chức Ấn Độ cáo buộc JeM, nhóm phiến quân gần gũi với tình báo Pakistan, gây ra vụ tấn công.

Tháng 7-2016, sự kiên nhẫn của New Delhi đã hết. Mặc dù Pakistan đã có một chính phủ mới dưới thời ông Imran Khan, một cuộc họp giữa Ngoại trưởng hai nước tại Đại hội đồng LHQ năm ngoái đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, các kênh ngoại giao vẫn tiếp tục. Sau vụ tấn công ở Pulwama, Kashmir hôm 14-2, Ấn Độ đã thay đổi, quyết tâm kiện chống lại những gì họ cho là sự hỗ trợ của nhà nước Pakistan đối với khủng bố.

Nhiều năm qua Ấn Độ lên án Pakistan về vấn đề này trong các tuyên bố ngoại giao với nhiều nước. Trong các tuyên bố chung giữa Ấn Độ với Mỹ và nhiều nước khác, New Delhi nêu tên các nhóm khủng bố cụ thể ở Pakistan như JeM, Lashkar-e-Taiba và D-Company. Những nỗ lực liên tục của New Delhi cũng làm dễ dàng củng cố nguồn cho chi phí quân sự.

Thách thức mà Ấn Độ phải đối mặt là nhiều quốc gia vẫn tiếp tục nhìn thấy những lợi ích trong việc duy trì mối quan hệ với Pakistan. Mặc dù Mỹ ngày càng thất vọng với Pakistan, Trung Quốc vẫn là đồng minh thân cận nhất của Islamabad, như đã từng có trong nhiều thập kỷ qua. Bắc Kinh đã cung cấp cho Pakistan công nghệ, thiết bị hạt nhân và tên lửa, cũng như các vũ khí thông thường. Và dưới danh nghĩa Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, hàng tỷ USD được Bắc Kinh đầu tư vào các dự án chiến lược. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tiếp tục mối quan hệ kinh tế và an ninh với Pakistan, mặc dù cả hai nước này cũng đang làm ấm mối quan hệ với Ấn Độ trong vài năm qua.

Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục cung cấp các lợi ích thương mại ưu đãi cho Pakistan, trong một số trường hợp đã dẫn đến mức thuế nhập khẩu thấp hơn so với Ấn Độ. Một số quan chức EU đã đổ lỗi cho Anh về cách tiếp cận đối với Pakistan và đề nghị London áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với Islamabad sau Brexit.

Làm tổn thương kinh tế Pakistan?

Một ngày sau vụ tấn công ở Pulwama, Ấn Độ thu hồi trạng thái giao dịch Quốc gia được ưa chuộng nhất (MFN) của Pakistan, tăng thuế hải quan lên 200% và tuyên bố sẽ cô lập Islamabad trong cộng đồng quốc tế. Việc mất đi MFN sẽ làm tăng đáng kể thuế hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Pakistan sang Ấn Độ.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thương mại trực tiếp giữa hai nước là không đáng kể, nên động thái này của New Delhi phần lớn chỉ mang tính tượng trưng. Theo một số cách, Ấn Độ đã thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Pakistan trong nhiều năm. Chẳng hạn, New Delhi đã không cho Pakistan tham gia vào một loạt các Kiểm tra song phương kể từ cuối năm 2007. Các biện pháp khác  nghiêm trọng hơn như bãi bỏ Hiệp ước Nước Indus năm 1960, động thái gây ra hậu quả đáng kể, trong đó có việc làm xói mòn mối quan hệ của Ấn Độ với các quốc gia khác như Trung Quốc, Nepal và Bangladesh - nơi có các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước.

Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục tạo ra áp lực ngoại giao nhằm đánh mạnh mối quan hệ kinh tế với Pakistan. Dự kiến, New Delhi sẽ ủng hộ việc thêm Pakistan vào danh sách đen (bao gồm Iran và Triều Tiên) Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính, một cơ quan liên chính phủ chống rửa tiền. Ấn Độ sẽ tăng cường xem xét các giao dịch tài chính liên quan đến Pakistan và gây ảnh hưởng xấu đến dòng tiền, xếp hạng tín dụng, thị trường chứng khoán và ngân hàng của nước này. Ấn Độ cũng gây sức ép để Hội đồng Cricket Quốc tế loại Pakistan khỏi giải World Cup Cricket 2019 sắp tới bởi New Delhi hiện chiếm tới 65-70% nguồn tài trợ của giải này.

Những nỗ lực đa phương khác có thể bao gồm việc mở rộng để nâng cao vị thế của Ấn Độ tại các nhóm kiểm soát xuất khẩu khác mà gần đây New Delhi đã có được tư cách thành viên.

Lựa chọn quân sự?

Thách thức lớn nhất đối với Ấn Độ là Pakistan sở hữu khả năng răn đe hạt nhân - một trong những kho vũ khí hạt nhân phát triển nhanh nhất - và một quân đội hùng mạnh. Đối với người dân Ấn Độ, đây là những thực tế mà giới lãnh đạo Ấn Độ phải ghi nhớ.

Tuy nhiên, cả Pakistan và Ấn Độ đều có các lựa chọn dưới ngưỡng hạt nhân. Năm 1999, các lực lượng Pakistan đã thực hiện một cuộc tấn công vào biên giới thực tế của Ấn Độ (còn được gọi là Đường kiểm soát) dẫn đến cuộc xung đột Kargil. Trong nhiều lần sau đó, Ấn Độ đã trả đũa các hành động khiêu khích của Pakistan bằng các cuộc tấn công quy mô nhỏ phối hợp tại Đường kiểm soát. Các cuộc tấn công năm 2016 đáp trả cuộc tấn công căn cứ của Uri, được biết đến là "các cuộc tấn công phẫu thuật". Các lựa chọn quân sự khác sẽ có tính chất lâu dài. Những nỗ lực của Ấn Độ chống lại sự xâm nhập xuyên biên giới từ Pakistan đã được hỗ trợ nhờ các công nghệ an ninh mới cũng như quan hệ đối tác tình báo với các quốc gia khác. Cải thiện trong lĩnh vực này - chẳng hạn như mua máy bay không người lái và tăng cường hợp tác tình báo kỹ thuật - sẽ được coi là một khoản đầu tư lớn trong việc chống khủng bố xuyên biên giới từ Pakistan. Tất nhiên, đây chỉ là một số trong nhiều cách mà Ấn Độ có thể lựa chọn.

AN BÌNH