Ấn Độ và tham vọng thâu tóm thị trường vũ khí Đông Nam Á

Thứ hai, 25/11/2013 13:22

(Cadn.com.vn) - Ấn Độ đang tăng cường hoạt động xuất khẩu vũ khí quân sự cho khu vực Đông Nam Á, kết quả tự nhiên từ chính sách hướng Đông của New Delhi.

Quảng bá vũ khí

Vào cuối tháng 10, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) và các đối tác công nghiệp trong nước tổ chức triển lãm một loạt các hàng hóa quân sự ở nước ngoài, trong đó chủ yếu tập trung cho Triển lãm Quốc phòng và Hàng không vũ trụ quốc tế (ADEX) năm 2013 tại Seoul.

Ngoài ra, New Delhi cũng bán các hệ thống phát hiện tàu ngầm cho nước láng giềng Myanmar và đàm phán với Philippines về triển vọng cung cấp hai tàu khu trục hải quân. Có vẻ như, mối quan tâm hiện nay của Ấn Độ vượt ra khỏi hoạt động bảo trì và hỗ trợ đào tạo cho một số lượng hạn chế các nước thành viên của ASEAN.

Trong hiện tại và tương lai gần, hoạt động kinh doanh của Ấn Độ có thể tập trung vào các lĩnh vực mà các nước ASEAN đang tìm kiếm và ngành công nghiệp trong nước của Ấn Độ có thể cung cấp. Mối quan hệ cung cấp các thiết bị quốc phòng của Ấn Độ cho các nước ASEAN khác nhau sẽ diễn ra trên cơ sở song phương chứ không phải nằm trong bất kỳ khuôn khổ ASEAN-Ấn Độ nào. Tuy nhiên, trong khi New Delhi có thể dễ dàng cung cấp các loại đạn dược, đối với các vũ khí lớn và tối tân hơn, vốn đòi hỏi phải nhập khẩu nhiều bộ phận từ nhiều nước khác, Ấn Độ cần thiết phải phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Nga.

Việc DRDO lựa chọn ADEX làm nơi triển lãm là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang phát triển Ấn-Hàn (cũng là nước đang thúc đẩy doanh số bán hàng quân sự ở Đông Nam Á). Điều này cũng cho thấy ý định mở rộng các đối tượng tiếp cận trong Chính sách hướng Đông của New Delhi.

Xưởng đóng tàu của Ấn Độ. Ảnh: DIPLOMAT

Myanmar và Philippines - khách hàng chính

Tầm quan trọng của việc bán hàng của Ấn Độ nổi lên trong bối cảnh Myanmar hiện đang xung đột trên biển với Bangladesh, đặc biệt là kể từ tranh chấp trong năm 2008. Myanmar cần phải tăng cường hạm đội với các tàu lớn hơn, để tương đương Hải quân Bangladesh.

Bế tắc năm 2008 cuối cùng xoa dịu thông qua sự can thiệp của Trung Quốc, hiện vẫn là nhà cung cấp chính các thiết bị hải quân cho cả hai nước. Nhưng kể từ đó, Myanmar muốn đa dạng hóa các nguồn cung cấp trang thiết bị từ nước ngoài cho lực lượng hải quân.

Hải quân Myanmar có thể đặc biệt quan tâm đến mục tiêu mua tàu ngầm nguồn từ Trung Quốc của Bangladesh. Tuy nhiên, tàu ngầm của Bắc Kinh được biết đến là khá yếu trước hệ thống phát hiện tàu ngầm của Ấn Độ.

Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 7, Phó Đô đốc Hải quân Myanmar Thura Thet Swe trực tiếp yêu cầu Ấn Độ hỗ trợ đối với các tàu tuần tra ngoài khơi (OPV), cung cấp các thiết bị cảm biến hải quân và thiết bị quân sự khác. Rõ ràng là Yangon mong muốn có các trang thiết bị hải quân khác so với nguồn cung cấp của Trung Quốc cho Bangladesh. Quan trọng hơn, chuyến thăm của ông Swe diễn ra trước cuộc tập trận hải quân song phương đầu tiên giữa Ấn Độ - Myanmar tại vịnh Bengal.

Về mặt địa lý, Philippines là quốc gia gần gũi hơn với Ấn Độ trong lĩnh vực quân sự. Trong chuyến thăm hồi tháng 10 đến Manila,  Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid thảo luận khả năng cung cấp hai tàu khu trục cho Hải quân Philippines. Vấn đề này sẽ được thảo luận trong cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Hợp tác Quốc phòng Philippines- Ấn Độ (JDCC) tại New Delhi trong thời gian tới. Philippines cần hiện đại hóa hải quân kể từ khi các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc gia tăng. Các lần ghé thăm và các cuộc tập trận trung chuyển của Hải quân Ấn Độ trong những năm qua tạo cho Hải quân Philippines cơ hội tốt để xem xét các tàu chiến do Ấn Độ chế tạo.

Tuy nhiên, yêu cầu của Philippines đối với hai tàu khu trục là được trang bị tên lửa hành trình 50km. Tại thời điểm này, ngành công nghiệp nội địa của Ấn Độ chưa thể chế tạo loại vũ khí này. Do đó, New Delhi cần phải hợp tác với bên thứ ba, có thể là Mỹ hoặc Israel. Ấn Độ trong tương lai có thể cung cấp các tên lửa hành trình BrahMos cùng với tàu chiến cho các nước ASEAN. Nhưng vấn đề chi phí luôn là một câu hỏi lớn bởi các nước ASEAN có ngân sách quốc phòng khiêm tốn và muốn tìm kiếm các nguồn cung cấp giá rẻ.

An Bình

(Theo Diplomat)