"Ăn miếng trả miếng"

Thứ ba, 13/05/2014 10:00

(Cadn.com.vn) - Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến các quốc gia Châu Á, vốn là những đồng minh quan trọng, đang vẽ ra một chương trình nghị sự quan trọng của Nhà Trắng: chiến lược trấn an các đồng minh trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược này đang vấp phải  đòn "tit for tat" (ăn miếng trả miếng) của Trung Quốc.

"Tit for tat" là chính sách vô cùng đơn giản nhưng khá nguy hiểm. Chiến lược này chỉ lặp lại lựa chọn của đối thủ. Tức là nếu trước đó đối thủ chọn "xấu" thì người chơi "tit for tat" cũng sẽ chọn "xấu". Tuy nhiên, một khi đối thủ chuyển sang chọn "tốt", người sau cũng sẽ chọn "tốt". Đứng trước trò chơi chiến lược "tit for tat", lựa chọn khôn ngoan duy nhất của đối thủ là chọn "tốt" bởi kết cục của trò chơi sẽ là "tốt, tốt".

Ví dụ mạnh mẽ cho cách tiếp cận này là chiến lược của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Vào ngày 10-6-1963, ông Kennedy có bài phát biểu quan trọng tại Đại học Mỹ trong bối cảnh đỉnh cao căng thẳng Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Kennedy công bố sáng kiến đơn phương đầu tiên: Mỹ ngừng tất cả các vụ thử hạt nhân trong khí quyển và sẽ không tiếp tục trừ khi nước khác làm như thế.

Phản ứng của Liên Xô đối với bài phát biểu của Kennedy ban đầu khá thận trọng song sau đó được thông tin đầy đủ trên tờ Izvestia và Pravda của chính phủ Liên Xô với lượng phát hành của 10 triệu độc giả, sự quan tâm hiếm hoi từ Liên Xô dành cho một nhà lãnh đạo phương Tây.

Thiết bị làm nhiễu đài phát thanh tại Moscow bị tắt cho phép người Nga nghe giọng nói ghi âm các bài phát biểu của Tổng thống Mỹ lúc đó.  Moscow đã đáp lại. Ngày 11-6, Liên Xô bỏ tuyên bố phản đối một sáng kiến của Mỹ "ủng hộ để gửi quan sát viên LHQ" tới Yemen - quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá.

Nhà Trắng đáp lại bằng cách gỡ bỏ phản đối khôi phục tình trạng cho phái đoàn Hungary tại LHQ. Việc kết nối thông tin liên lạc trực tiếp Mỹ-Nga, theo đề xuất của Washington vào năm 1962, bất ngờ nhận được cái gật đầu đáng giá của Liên Xô vào ngày 20-6-1963.

Thật sự, đây là những bước đi mang tính tượng trưng, nhưng đã giúp giảm căng thẳng giữa các cường quốc lớn và mở các cuộc đàm phán song phương giúp kết thúc Chiến tranh Lạnh. Liệu quan hệ Mỹ-Trung có đi theo hướng này?

Ai cũng thấy rõ, việc ông Obama có chuyến công du đến 4 quốc gia Châu Á hồi cuối tháng 4, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Philippines diễn ra theo sau những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông gây quan ngại an ninh cho khu vực.

Và ngay sau đó, khi ông chủ Nhà Trắng kết thúc chuyến công du quan trọng trong nỗ lực trấn an các đồng minh trước sức mạnh Trung Quốc và củng cố chính sách xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương vào ngày 29-4, Trung Quốc tuyên bố điều giàn khoan dầu khổng lồ đến vùng biển Việt Nam. Đây được đánh giá là một đòn "đi xấu" trong bối cảnh Bắc Kinh không thể làm gì Philippines vì lo sợ "Thỏa thuận an ninh mở rộng" mà Manila vừa ký với Washington trong chuyến thăm vừa qua.

Nhà Trắng đang ra những tuyên bố phản đối hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên tinh thần nỗ lực ngoại giao đàm phán. Người ta đang chờ đợi động thái thiện chí đáp lại từ Bắc Kinh.

Thanh Văn