Ân tình thầy - trò Trường Tương Lai
(Cadn.com.vn) - Cách đây 20 năm, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ) đã quyết định thành lập trường Dạy trẻ khuyết tật Tương Lai, nay là Trường Chuyên biệt Tương Lai với nhiệm vụ cao cả: chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật. Bằng sự tận tâm, nhẫn nại, lòng yêu nghề mãnh liệt, 20 năm qua, đội ngũ các nhà quản lý, thầy cô giáo và nhân viên Trường chuyên biệt Tương Lai (CBQL,GV,NV) đã góp phần cùng xã hội xoa dịu nỗi đau cho biết bao gia đình, bản thân nhiều đứa trẻ bất hạnh...
Có lẽ, với nhiều người, 20 năm chưa phải là một thời gian quá dài, nhưng với những con người hàng ngày chăm lo, chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ bất hạnh ở Trường Chuyên biệt Tương Lai, đó là một quãng thời gian dằng dặc với bao trăn trở, âu lo thầm lặng của những chắt chiu, kiên trì, nhẫn nại. Mỗi một sự đổi thay dù nhỏ nhặt ở những đứa trẻ ngây ngô, bất hạnh ấy đều có thể khiến họ hạnh phúc đến rơi nước mắt...
Học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai diễn tập văn nghệ chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập trường. Ảnh: P.T |
Là người gắn bó với ngôi trường này từ ngày đầu thành lập, cô giáo Trương Thị Hồng Nga (49 tuổi- vừa được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng), không sao quên được những năm tháng khó quên ấy: "Năm 1993, lúc đó trường còn là Trung tâm dạy trẻ khuyết tật thì tôi đã có mặt. Đến năm 1994, trường chính thức thành lập. Hồi đó, học trò có 44 em, chia thành 3 lớp gồm 23 HS khiếm thính (câm, điếc) và 21 HS chậm phát triển trí tuệ (khuyết tật trí tuệ). Để có được số học trò đó, đội ngũ CBQL,GV, NV đã phải nhọc nhằn, vất vả xuống tận địa bàn để vận động phụ huynh (PH) đưa con em đến trường. Ngày ấy, sự quan tâm, chia sẻ cũng như nhận thức, hiểu biết về trẻ khuyết tật không được như bây giờ. Vì thế, nhiều PH có con em bị khuyết tật rất mặc cảm. Xác định tư tưởng: cuộc đời của con mình không bao giờ có tương lai, họ âm thầm đớn đau, chấp nhận thực tế. Vì vậy, sự ra đời của Trường Chuyên biệt Tương Lai có thể được xem là "cứu cánh" giúp họ cảm thấy như được sẻ chia, quên đi sự mặc cảm, buồn khổ...Tôi được phân công phụ trách trẻ chậm phát triển trí tuệ. So với trẻ khiếm thính, trẻ chậm phát triển trí tuệ dạy dỗ khó hơn rất nhiều bởi các em không biết gì hết. Những ngày đầu khi tiếp xúc với những đứa trẻ ngây ngô, bất hạnh đó, về nhà, tôi cứ bị ám ảnh mãi. Nhưng rồi mỗi ngày đến trường, tiếp xúc với các em, lòng tôi như thắt lại. Một tình thương tràn ngập giúp tôi quên hết đi nỗi ám ảnh ban đầu ấy để cùng các đồng nghiệp vượt qua bao vất vả, nhọc nhằn để tận tâm chăm sóc, nuôi dạy các em... Mỗi một sự đổi thay nơi các em, đơn giản từ việc có thể tự lau mặt, tự xúc cơm ăn cũng khiến chúng tôi vui đến khóc. Điều an ủi lớn nhất giúp chúng tôi vượt qua được tất cả chính là các em sống rất tình cảm. Đặc biệt, là sự ghi nhận của nhiều PH đối với nhà trường khi thấy con em tiến bộ đã an ủi, động viên chúng tôi rất nhiều...".
Nhớ đến bó hoa của em HS Nguyễn Dương Đức Thiện tặng cho mình nhân kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa rồi, cô Nga nghẹn lời: "Em ấy là HS khuyết tật về trí tuệ tiến bộ nên đầu năm học 2014-2015 này được học hòa nhập lớp 6 THCS. Ngày 20-11, đầu giờ học, em đến tìm tôi tại cơ sở 1 đường Trần Bình Trọng, nhưng tôi lại đang ở cơ sở 2 nên em gửi lại hoa nhờ bác bảo vệ gửi lại cho tôi. Đến cuối ngày, hội đồng sư phạm về cơ sở 1 để sinh hoạt kỷ niệm, nhận được bó hoa của em tôi xúc động lặng đi...".
Thầy Nguyễn Duy Tuyên, Phó Hiệu trưởng chuyên môn, người gắn bó với ngôi trường đặc biệt này 15 năm qua, bộc bạch: "Trước khi về trường, tôi từng dạy Văn rồi làm Hiệu trưởng trường phổ thông cấp 1, 2 Trà Đông (Trà My, Quảng Nam), rồi làm chuyên môn tại Phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà. Năm 1999, khi được phân về đây làm hiệu phó, tôi cứ nghĩ mình chỉ làm công tác quản lý cơ sở vật chất. Nhưng trường chỉ có 1 Hiệu phó nên tôi phải kiêm nhiệm luôn chuyên môn sư phạm. Tôi phụ trách mảng trẻ khuyệt tật trí tuệ, còn cô Trần Bích Thủy- Hiệu trưởng khi ấy- phụ trách mảng trẻ khiếm thính. Quả thật, những ngày đầu, tôi vừa lo, vừa ngại khi tiếp xúc với những đứa trẻ ngây ngô này. Đêm đêm, khi trở về nhà, tôi cứ suy nghĩ, nếu đặt mình là cha mẹ không may có con bị khuyết tật chắc sẽ đau đớn lắm. Từ tình thương, sự thông cảm, sẻ chia ấy, tôi cố gắng tìm tòi, học hỏi, bồi dưỡng thêm về chuyên môn sư phạm dạy trẻ đặc biệt để chăm sóc, dạy dỗ các em".
Được biết thầy Tuyên là một trong những người đầu tiên của trường dựa vào khung chương trình dạy trẻ khuyết tật của Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang để thiết kế biên soạn giáo án dạy học cho HS trong trường, với biết bao hy sinh lặng thầm... Kể làm sao cho hết ân tình của đội ngũ CBQL,GV, NV ở ngôi trường đặc biệt này.
Từ 44 HS với 10 CBQL,GV,NV của thuở ban đầu thành lập cùng cơ sở tọa lạc trên đường Trần Bình Trọng, nghèo nàn, chật chội, sau 20 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, trường được quan tâm đầu tư thêm một cơ sở mới khang trang rộng rãi ở đường Huy Cận (Cẩm Lệ); số lượng HS năm học 2014-2015 là 190 em chia thành 20 lớp với 3 bậc học: MN, TH, THCS. Đội ngũ CBQL, GV, nhân viên không ngừng hoàn thiện với 48 người gồm: 3 CBQL, 33 GV và 12 NV. Từ những GV của những ngày đầu thành lập còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ khuyết tật, đến nay đã có 100% GV đạt chuẩn (trong đó có hơn 76% trên chuẩn)...
Như những người chèo lái đò cần mẫn đưa khách sang sông, niềm vui và hạnh phúc của những người chèo đò ở ngôi trường chuyên biệt Tương Lai thật đơn giản nhưng đong đầy trong đó biết bao nỗi niềm: Mong các em có thể tự chủ, tự lập và có thể trưởng thành bước vào đời...
Ghi chép: P.Thủy