Anh kích hoạt tiến trình Brexit

Thứ năm, 30/03/2017 10:32

(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Anh Theresa May đã bắn phát súng đầu tiên cho tiến trình Brexit khi kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, mở cánh cửa đàm phán 2 năm dài ròng rã để London rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

Ngày 29-3, Anh chính thức nộp đơn “ly hôn” EU, một bước đi lịch sử đang gây chia rẽ đất nước và đặt ra vấn đề tương lai của liên minh duy nhất trên thế giới này.

9 tháng kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý gây sốc đẩy Anh rời xa EU, Thủ tướng May đã chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, có nghĩa là nước này sẽ chính thức rời liên minh vào năm 2019. “Chúng ta không chỉ nỗ lực vì những lá phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý mà còn quyết tâm đạt thành công”, bà May nói với các nghị sĩ Quốc hội hôm 29-3. Theo bà, “việc kích hoạt Điều 50 là thời điểm để cả nước đoàn kết”.

Tại Quốc hội, Thủ tướng May cũng đã báo cáo về bức thư đã ký để gửi lên Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk, với nội dung thông báo cho EU về quyết định rời khỏi liên minh này của London. Bức thư này được Thủ tướng May ký hôm 28-3 và được Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow trao tận tay ông Tusk.

Thủ tướng Anh Theresa May ký thư gửi Chủ tịch EC Donald Tusk, thông báo về việc kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon rời khỏi EU. Ảnh: CNN

Ưu tiên giải quyết nợ nần

Sau khi kích hoạt tiến trình ly hôn lịch sử, Brussels và London đối mặt với nhiều tháng đàm phán khó khăn về các dự luật, vấn đề nhập cư và các mối quan hệ thương mại trong tương lai.

EU dự kiến sẽ có phản ứng đầu tiên với nước Anh về Brexit vào ngày mai (31-3), tiếp sau đó là tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 29-4 để thông qua các hướng dẫn riêng trước khi khởi động các cuộc đàm phán chính thức. Giống như nhiều vụ “ly hôn” khác, các cuộc đàm phán có thể nhanh chóng trở nên tồi tệ vì vấn đề tiền bạc. Ưu tiên là giải quyết các nghĩa vụ nợ nần của nước Anh, ước tính từ 55-60 tỷ EUR - một “cuộc chiến” có thể định hình cho các cuộc đàm phán còn lại. Cả hai bên cũng muốn giải quyết tình trạng của hơn 3 triệu người Châu Âu sống ở Anh và 1 triệu người Anh sống ở nước ngoài.

Việc tạo ra một hiệp định thương mại mới và căng thẳng ở Bắc Ireland – vấn đề sẽ trở thành đường biên giới khó khăn duy nhất với EU - cũng sẽ khiến hai bên nhức đầu. Giới kinh doanh cũng lo ngại trước quyết định của Thủ tướng May về việc rời khỏi thị trường chung Châu Âu, khu vực thương mại tự do với 500 triệu người.

“Brexit cứng hay mềm”?

EU quyết tâm duy trì sự thống nhất và nói rằng, bất kỳ thỏa thuận nào của Brexit cũng không đi theo hướng khuyến khích các nước khác làm theo Anh.

Khi chính thức mở cánh cửa Brexit, Thủ tướng May cũng đang chiến đấu để giữ nước Anh đoàn kết và bác bỏ lời kêu gọi của Quốc hội Scotland thông qua cuộc trưng cầu dân ý rời Anh lần 2. Scotland muốn ở lại với EU và đã thông qua việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc độc lập khỏi nước Anh, nhằm mục đích giữ vững quan hệ với EU. Với những thách thức như thế này, Thủ tướng May đã nói rằng, “thà không có thỏa thuận nào còn tốt hơn là có một thỏa thuận tồi tệ”. Các nhà phân tích cho rằng, điều này mở ra khả năng nước Anh có thể sẽ phải rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào –  tức là “Brexit cứng”.

Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán thất bại và không có thỏa thuận, cả hai bên đều bị tổn hại nặng nề. Vì vậy, dường như chắc chắn hơn là Anh và EU sẽ phải nỗ lực đến cùng để có một “thỏa thuận mềm” cùng có lợi bởi cả hai đều đã bị tổn thương quá nhiều vì tiến trình ly hôn tốn kém và tốn thời gian này.

Khả Anh