Brexit hồi sinh giấc mơ "quân đội EU"

Thứ hai, 12/09/2016 10:10

(Cadn.com.vn) - Việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) làm hồi sinh ý tưởng EU nên có quân đội riêng của mình.

Anh không muốn…

Anh - cho đến nay là quốc gia có khả năng quân sự mạnh nhất châu Âu - cùng với Pháp, luôn phản đối ý tưởng về một quân đội châu Âu, vì sợ trùng lặp không cần thiết với quân đội NATO.

Tuy nhiên, quan điểm của Anh là hợp tác quốc phòng trong EU không nên đi quá xa. Không nên làm giảm tính ưu việt của NATO cũng như lãng phí tiền bạc vào những gì mà liên minh xuyên Đại Tây Dương đã làm. Đây cũng là quan điểm của Mỹ.

Một quân đội chung giúp EU giải quyết tốt hơn các khủng hoảng hiện nay.

...nhưng nhiều nước muốn

Nhưng hiện giờ, với việc Anh chuẩn bị rời khỏi EU, một số nhà lãnh đạo châu Âu đang làm sống lại ý tưởng về một quân đội mang bản sắc EU mạnh mẽ hơn, tóm gọn trong cụm từ "quân đội EU".

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3-2015 với tờ Welt am Sonntag của Đức, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu Jean-Claude Juncker, người từ lâu ủng hộ một quân đội thống nhất châu Âu, cho biết: "Quân đội châu Âu sẽ cho thế giới thấy rằng, sẽ không bao giờ có chiến tranh giữa các quốc gia EU. Một đội quân như vậy sẽ giúp hình thành chính sách đối ngoại và an ninh chung, đẩy mạnh vai trò lãnh đạo của châu Âu trên trường thế giới. Với quân đội riêng, châu Âu có thể phản ứng với bất kỳ mối đe dọa nào đối với nền hòa bình của các nước thành viên".

Brexit đã mở cửa cho ý tưởng này. Thủ tướng Hungary và Cộng hòa Czech kêu gọi EU xây dựng quân đội riêng. Trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng, đã đến lúc thực hiện ý tưởng xây dựng một liên minh phòng thủ châu Âu, một "Schengen trong lĩnh vực quốc phòng".

"Vòng lửa"

Ý tưởng về một quân đội thống nhất đã được những người sáng lập EU đưa ra vào đầu những năm 1950 với kế hoạch thành lập Cộng đồng Quốc phòng châu Âu. Họ muốn có một lực lượng quân sự châu Âu sau Thế chiến II để thống nhất châu Âu và bảo vệ khu vực trước Liên Xô hùng mạnh. Tuy nhiên, ý tưởng này không được xúc tiến do lo ngại chủ quyền quốc gia và sự đe dọa của Liên Xô mờ dần.

Hiện nay, xung đột và bất ổn trong khu vực đang tràn vào lãnh thổ EU. Thống nhất và an ninh một lần nữa được ưu tiên giải quyết. "EU bao quanh bởi một vòng lửa trải dài từ vùng Sahel đến vùng Sừng châu Phi, qua Trung Đông, vùng Caucasus và lên đến tiền tuyến mới ở Đông Âu. Không có khu vực nào trên thế giới đang đối mặt với tình trạng quá lộn xộn như vậy", tờ WSJ nhận định.

Nhiều vụ tấn công bạo lực như vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo hoặc chặt đầu các Kitô hữu tại Pháp, là hành động khiêu khích trực tiếp chống lại EU. Xung đột tại các quốc gia như Syria và Libya khiến EU phải thêm gánh nặng người nhập cư. Dù buộc phải đối phó với nhiều vấn đề cấp bách như vậy, theo WSJ, an ninh và quốc phòng là những "mắt xích yếu nhất" trong toàn bộ EU.

70% cộng đồng châu Âu luôn ủng hộ một "dự án quốc phòng châu Âu rộng lớn", vậy tại sao EU không xúc tiến ý tưởng về một quân đội chung như vậy?

An Bình
(Theo BBC, Real Truth)