App giả lừa tiền thật!
Mặc dù cơ quan Công an nhiều lần cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, nhất là thủ đoạn giả danh cơ quan điều tra để hù dọa, lừa đảo chiến đoạt tiền, song đến nay vẫn có nhiều người dân vì thiếu tỉnh táo, thiếu cảnh giác nên sa bẫy đối tượng lừa đảo. Từ đầu tháng 8-2021 đến nay, Công an TP Quy Nhơn (Bình Định) nhận 8 đơn bị hại báo về các thủ đoạn lừa tương tự, mới đây nhất là trường hợp của anh Nguyễn T. (1983, trú phường Đống Đa, TP Quy Nhơn). Trước anh T., tại TP Quy Nhơn cũng đã xảy ra những vụ lừa đảo với thủ đoạn tương tự đôi với các bị hại là anh H. ở phường Lê Lợi bị mất 200 triệu đồng, chị M. ở phường Ngô Mây mất 100 triệu đồng.
Giao diện App giả có chữ “Bộ Công an”. |
Theo anh Nguyễn T. trình bày với Cơ quan CSĐT Công an TP Quy Nhơn, chiều 19-8, một đối tượng lạ sử dụng số điện thoại 8082363734047 gọi cho anh và tự xưng là người Bộ Công an thông báo anh bị xử phạt hành chính do vi phạm giao thông tại TP Đà Nẵng. Khi anh T. nói mình mấy tháng nay không hề đi Đà Nẵng thì đối tượng tự xưng cán bộ Công an và thông báo anh T. liên quan đến đường dây ma túy lớn của Nguyễn Văn Long. Đối tượng yêu cầu anh T. cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để kiểm tra.
Thấy anh T. chỉ cung cấp thông tin cá nhân, đối tượng này tiếp tục hướng dẫn tải ứng dụng “Bộ Công an” vào điện thoại và yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng để cơ quan công an kiểm tra. Do tin tưởng, anh T. nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản và mã OTP vào ứng dụng thì phát hiện chỉ trong tích tắc, tài khoản đã bị mất số tiền 460 triệu đồng. Đối tượng dặn anh T. xóa hết các tin nhắn, không cung cấp bất cứ cho ai vì ảnh hưởng hoạt động của Ban chuyên án.
Tại cơ quan Công an, anh T. cho biết do thấy ứng dụng có chữ “Bộ Công an” nên không nghi ngờ. Thủ đoạn lừa đảo như trong trường hợp của anh T. thực ra không mới. Đối tượng thu thập thông tin của nạn nhân (chủ yếu là chia sẻ trên mạng xã hội), sử dụng công nghệ để đổi đầu số, giả mạo số điện thoại của cơ quan chức năng, tự nhận là nhân viên nhà mạng viễn thông, cán bộ cơ quan CA, Viện kiểm sát, Tòa án, Thanh tra… để đe dọa xử lý, bắt giữ nạn nhân vì có liên quan đến nợ cước viễn thông, buôn bán ma túy, rửa tiền…
Tinh vi hơn, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân tải app giả mạo Bộ Công an, trong đó có sẵn “Lệnh bắt khẩn cấp” với đầy đủ thông tin của nạn nhân. Lợi dụng sự hoảng loạn của nạn nhân, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật tài khoản rồi chiếm đoạt tài sản, hoặc thuyết phục nạn nhân chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng cung cấp rồi “lặn không sủi tăm” sau khi “con mồi” sập bẫy.
“Để phòng ngừa các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng internet, viễn thông, phương tiện điện tử, người dân cần cập nhập các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này để cảnh giác. Cần hạn chế truy cập các trang web lạ, không chia sẻ thông tin, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet… của cá nhân và người thân trong gia đình lên các trang mạng xã hội. Cơ quan CA khẳng định không bao giờ yêu cầu cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng, cho dù là đang trong quá trình điều tra”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Lâm- Phó trưởng Công an TP Quy Nhơn khuyến cáo.
NGUYỄN GIANG