ASEAN công kích Trung Quốc vì biển Đông

Thứ tư, 15/06/2016 07:34

(Cadn.com.vn) - Các ngoại trưởng ASEAN ngày 14-6 ra thông cáo báo chí nhấn mạnh, các quốc gia ở Đông Nam Á có “những quan ngại nghiêm trọng” về các sự kiện gần đây trên biển Đông tranh chấp, trong đó có hoạt động cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh ở khu vực này.

Một tàu tuần tra của Hải quân Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng vào một tàu cá của Philippines gần bãi cạn Scarborough mà Manila tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Ảnh: AP

Trên bàn cuộc họp đặc biệt - Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc, được tổ chức tại thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, một lần nữa, vấn đề biển Đông trở thành trọng tâm được ưu tiên bàn đến.

Trong động thái được đánh giá là “cái tát ngoại giao mạnh mẽ” mà Trung Quốc phải đối mặt khi có những tuyên bố chủ quyền vô lý ở biển Đông, các nước ASEAN ra thông cáo chung, chỉ trích mạnh mẽ các hành động gây căng thẳng ở khu vực đang tranh chấp này. Thông cáo chung nhấn mạnh, các quốc gia ở Đông Nam Á có “những quan ngại nghiêm trọng” về các sự kiện gần đây trên biển Đông có tranh chấp. “Chúng tôi bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về những về những diễn biến gần đây và đang diễn ra ở biển Đông, vốn làm xói mòn lòng tin và làm gia tăng căng thẳng cũng như có khả năng phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông”, thông cáo nêu rõ.

Dù không đề cập trực tiếp đến cái tên Trung Quốc trong thông cáo này, song giới chuyên gia quân sự cho rằng, nội dung rõ ràng ám chỉ đến các hoạt động gây căng thẳng gần đây của Bắc Kinh, đặc biệt là các hoạt động cải tạo đất trái phép. Các ngoại trưởng ASEAN sau đó kêu gọi duy trì hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Những tuyên bố này cho thấy, ASEAN đang chứng tỏ sự đoàn kết đặc biệt trong bối cảnh cả khối đang chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc vì những tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở biển Đông. Trên thực tế, ASEAN, trong nhiều năm qua, đã rất nỗ lực để đạt được một giải pháp ngoại giao trong vùng biển Đông, song không đạt nhiều tiến triển do những nỗ lực chia rẽ khối này của Bắc Kinh.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama lâu nay cũng thúc đẩy các mục tiêu chính là đảm bảo quyền tự do hàng hải ở biển Đông cho các tàu Mỹ, đồng thời duy trì hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á đang quan ngại hành động bành trướng trên biển của Trung Quốc. Khi Tổng thống Obama gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 2, các bên nhất trí về việc “tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao” phù hợp với Công ước của LHQ trong vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, nhiều quốc gia ASEAN lúc đó nói chung vẫn rất cảnh giác vì sợ phải “xa lánh” Trung Quốc – một cường quốc kinh tế. Bản thân Trung Quốc - vốn ra tuyên bố không công nhận bất kỳ phán quyết nào của PCA, cũng chơi chiêu bài tuyên truyền lấy lòng khi nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ của nhiều quốc gia khác, chủ yếu là ở Châu Phi và Trung Đông.

Mỹ không phải là bên tham gia UNCLOS, nhưng nhấn mạnh, Washington muốn Bắc Kinh tuân thủ hoàn toàn luật quốc tế. Tuy nhiên, vì không có cơ chế thực thi các phán quyết, bất kỳ tác động nào đối với Trung Quốc rõ ràng phụ thuộc vào cách thức phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Khả Anh