ASEAN khó giải bài toán biển Đông

Thứ sáu, 14/11/2014 09:40

(Cadn.com.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 25 kết thúc hôm 13-11 song các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc vẫn chưa thể tìm được lời giải rốt ráo cho bài toán biển Đông.

Các nhà lãnh đạo ASEAN chào đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Naypyidaw, Myanmar bởi đằng sau cánh cửa đóng kín, ASEAN nỗ lực gia tăng áp lực buộc người láng giềng khổng lồ giảm cách tiếp cận hiếu chiến ở biển Đông.

Dù tuyên bố chủ tịch tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông. ASEAN vẫn chưa đủ lực để buộc Bắc Kinh phải đi đúng hướng.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cùng với Tổng thống Mỹ Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN hôm 13-11. Ảnh: Reuters

ASEAN - Trung Quốc vẫn bất đồng

Tại cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 13-11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất một hiệp ước hữu nghị với các nước Đông Nam Á nhưng tái khẳng định, tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông cần được giải quyết trực tiếp giữa các nước liên quan hơn là đa phương và thông qua trọng tài quốc tế.

“Trung Quốc... sẵn sàng trở thành đối tác đối thoại đầu tiên ký với ASEAN một hiệp ước hữu nghị và hợp tác”, Reuters dẫn lời ông Lý tuyên bố. Thủ tướng Trung Quốc còn tự tin tuyên bố, tình hình biển Đông vẫn ổn định về mặt tổng thể trong khi tự do và an toàn hàng hải vẫn được đảm bảo. Theo ông, Trung Quốc và ASEAN cần xác định cách tiếp cận kép trong việc giải quyết vấn đề biển Đông, theo đó những tranh chấp cụ thể sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán và tham vấn giữa các nước liên quan trực tiếp, trong khi hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ cùng được Trung Quốc và các nước ASEAN phối hợp duy trì trên cơ sở nhất trí sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC)”. Philippines, vốn tìm kiếm trọng tài quốc tế phân xử về tuyên bố chủ quyền gần như hoàn toàn biển Đông của Trung Quốc, phản ứng lạnh lùng với đề nghị trên, nói rằng, nó thiếu thực chất.

Tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông hình thành làn sóng ngầm căng thẳng tại Naypyidaw. Trên bàn Hội nghị Đông Á (EAS), nhà lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác là Trung, Nhật, Hàn, Ấn, Australia và New Zealand, Nga và Mỹ cũng tập trung thảo luận phương hướng xoa dịu căng thẳng biển Đông. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có bài phát biểu gây chú ý, trong đó hối thúc Trung Quốc và các nước có tranh chấp ở biển Đông tránh có những hành động có thể hủy hoại sự ổn định ở vùng biển giàu tài nguyên và có tầm quan trọng chiến lược này. Thủ tướng Nhật còn hy vọng Trung Quốc và ASEAN đẩy nhanh các cuộc tham vấn nhằm sớm đạt COC.

Tuy nhiên, những tuyên bố cố chấp và bảo thủ của Bắc Kinh khiến hội nghị không thể đi đến một giải pháp tốt nhất cho một biển Đông hòa bình và ổn định.

ASEAN - Mỹ xích lại gần nhau

Khác với mối quan hệ với Trung Quốc, hội nghị ở Naypyidaw năm nay là nhịp cầu kéo ASEAN-Mỹ xích lại gần nhau hơn.

Tại bàn họp Mỹ-ASEAN, Tổng thống Barack Obama cam kết về mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia Đông Nam Á trong suốt 2 năm nhiệm kỳ còn lại. Ông chủ Nhà Trắng tiếp tục nhấn mạnh chính sách xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương. “Tôi mong muốn tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa ASEAN và Mỹ vốn đã tồn tại từ lâu”, ông Obama khẳng định đồng thời cho rằng, ASEAN là trung tâm tăng trưởng nhanh chóng của Châu Á, là nơi con người tràn đầy tham vọng, năng lượng và tài năng. Ông Obama ca ngợi “bước tiến lớn” Mỹ đạt được trong 6 năm qua “trong việc nâng cao và mở rộng quan hệ đối tác này”, trước khi nhấn mạnh thêm, “tôi nghĩ, một khi tất cả chúng ta cùng nhất trí, chúng ta vẫn có thể làm nhiều hơn nữa”.

Tổng thống Obama đang ở Châu Á để thuyết phục các đối tác quốc tế về “sức mạnh Mỹ” đồng thời cân bằng sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực. Cùng với những thành công tại Naypyidaw, Mỹ khởi động chiến lược triển khai tàu chiến mới tại Châu Á vốn được tuyên bố là sẽ vừa giúp tiết kiệm vừa giúp duy trì sự hiện diện ở lục địa này khi ngân sách ngày càng bị siết chặt.

Khả Anh