Bài 2: Cần tỉnh táo, trách nhiệm và đồng lòng ngăn chặn tin xấu độc
Mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối, mà còn là "mặt trận" tiềm ẩn nhiều hiểm họa từ tin giả, tin xấu. Ngăn chặn, xử lý tin xấu độc không chỉ là việc của riêng của lực lượng Công an mà mỗi người dân, tổ chức đều phải hành động, vì an toàn thông tin và sự bình yên xã hội. Cuộc chiến ấy cần sự tỉnh táo, đồng lòng và trách nhiệm từ tất cả chúng ta.

Không chỉ ở Đà Nẵng, nhiều địa phương khác cũng ghi nhận các vụ việc liên quan đến việc phát tán tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội. Đơn cử tại TP Hồ Chí Minh, nhiều tài khoản Facebook, TikTok đã tung tin giả về các vụ "bắt cóc trẻ em" khiến phụ huynh hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý cộng đồng. Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố một số đối tượng về hành vi "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng".
Những vụ việc này cho thấy, tin giả, tin sai sự thật có khả năng gây ảnh hưởng sâu rộng, tạo ra làn sóng dư luận tiêu cực, thậm chí kích động tâm lý hoang mang, làm mất niềm tin vào chính quyền, gây bất ổn xã hội. Chính vì vậy, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu khi tích cực tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh mạng đến tận khu dân cư, trường học như: “Hội, nhóm, trang mạng xã hội hành động vì môi trường mạng Hòa Vang an toàn, lành mạnh”, “Nhóm Zalo phòng chống tội phạm”…
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), việc chặn và gỡ bỏ những nội dung vi phạm đã và đang được thực hiện khá rốt ráo thời gian qua. Chỉ riêng trong năm 2024, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google và TikTok đã chặn và gỡ bỏ 15.995 nội dung vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
Cụ thể, tính đến tháng 12-2024, Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, bao gồm 8.463 bài viết, 349 tài khoản, 16 group và 153 trang vi phạm (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube, bao gồm 6.007 video và 36 kênh vi phạm (đăng tải hơn 39.000 video, tỷ lệ 91%); TikTok đã chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, bao gồm 677 video và 294 tài khoản (đăng tải hơn 94.000 video, tỷ lệ 93%). Những kết quả này là nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc đàm phán, nhắc nhở, đôn đốc và yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, khởi tố hàng chục vụ án hình sự liên quan đến hành vi lợi dụng không gian mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Những con số này không chỉ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc làm sạch môi trường mạng mà còn phản ánh mức độ phức tạp, sự gia tăng đáng lo ngại của tình trạng phát tán tin giả hiện nay.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Trong đó, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã nhấn mạnh vai trò then chốt của việc chủ động đấu tranh trên không gian mạng. Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về chiến lược an ninh mạng quốc gia cũng đặt ra yêu cầu: "Xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội". Song song với đó, Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu độc, tin giả, đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân khi tiếp cận thông tin trên môi trường số.

Quy định pháp luật về xử lý hành vi phát tán thông tin sai lệch liên tục được hoàn thiện, với việc áp dụng nghiêm các quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Bộ luật Hình sự, đồng thời Chính phủ cũng đang nghiên cứu, bổ sung các quy định mới nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý. Việt Nam đã chủ động tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết nhiều thỏa thuận với các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Google, TikTok, yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ này tuân thủ pháp luật Việt Nam và gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời gian nhanh nhất.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của tin giả, tin thất thiệt, tin độc, tin xấu được đẩy mạnh thông qua nhiều chiến dịch thiết thực góp phần xây dựng ý thức thận trọng cho người dân khi tiếp nhận và lan truyền thông tin. Việc giáo dục về an toàn thông tin, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn cũng được đưa vào chương trình học từ phổ thông đến đại học, trang bị cho thế hệ trẻ khả năng chủ động bảo vệ mình trước những cạm bẫy thông tin trên không gian mạng, giúp mỗi cá nhân trở thành một “lá chắn” hiệu quả, góp phần làm trong sạch môi trường mạng.
MAI VINH