Bài 2: Đâu là bản vẽ phù hợp cho Hòa Vang?
Quy hoạch hạ tầng chưa đồng bộ cùng với quá trình phát triển "nóng", vượt "ngưỡng" môi trường khiến Hòa Vang đang phải "gồng mình" khắc phục. Đâu mới là bản quy hoạch phù hợp giúp Hòa Vang phát triển bền vững trong tương lai?
Hệ lụy từ quy hoạch hạ tầng bất cập
Nói về tình trạng ngập lụt tại nhiều khu dân cư trên địa bàn, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, quy hoạch khu dân cư nhưng không có qui hoạch thoát nước và xử lý nước thải, không có các đồ án quy hoạch chuyên ngành khác để khớp nối đồng bộ hạ tầng tại khu vực dẫn đến lấp chỗ này thì làm nước ứ đọng chỗ khác. Các đồ án quy hoạch phân tán dẫn đến tăng chi phí đầu tư hạ tầng nhưng hiệu quả về cảnh quan, môi trường và sử dụng không cao. Dân cư đến ở các khu tái định cư chỉ mang tính chất đến để ở chứ chưa được hưởng thụ cuộc sống mới, thậm chí còn khó khăn hơn cho sinh hoạt của người dân.
Cũng theo ông Tôn, việc xác định cao độ nền và thoát nước mặt là cơ sở quan trọng hàng đầu làm cơ sở cho việc lập đồ án, xác định cốt công trình, tuy nhiên đến thời điểm này Hòa Vang chưa có đồ án cao độ nền và thoát nước mặt nào được lập. Điều này dẫn đến rất khó khăn cho xác định cốt quy hoạch, cốt công trình. Hiện nay việc xác định cao độ nền dựa vào quy hoạch về tần suất lũ. Tuy nhiên việc này không hợp lý vì nếu chiếu theo tần suất lũ đang áp dụng là 5%, nghĩa là tương đương như cao trình khu Trung tâm hành chính huyện hiện tại. Nếu chỉ mở tuyến đường mà nâng nền đến cao trình như vậy thì trên địa bàn Hòa Vang nâng không biết bao nhiêu tuyến đường, ảnh hưởng rất lớn đến nhà cửa của nhân dân hai bên đường. Và cứ hình dung đơn giản, nếu vài chục năm nữa, khi các dự án được đầu tư kín trên địa bàn huyện thì chắc chắn sẽ phải đào hết các quả đồi hiện tại mới đủ san lấp, lúc đó Hòa Vang lại không còn đồi núi. Và về nguyên tắc, nước không được thoát chỗ này thì sẽ thoát chỗ khác, chỗ này không ngập thì chỗ khác lại ngập nặng hơn.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cũng chia sẻ, các công trình giao thông qua địa bàn huyện cũng tính toán chưa đầy đủ các yếu tố tác động đến môi trường sản xuất, môi trường sống của người dân. Cụ thể như đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường vành đai phía Nam, phía Tây, đường ADB 5 Hòa Phong-Hòa Tiến, và mới nhất là đường DH2 Hòa Nhơn đi Hòa Sơn, đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan. Trước đây khi không có các tuyến đường này thì nước chảy tràn trên mặt và thoát ra sông, chia đều lượng nước cho toàn khu vực. Khi có các tuyến đường này thì vô tình như con đê chắn nước, các hệ thống cầu cống không đủ năng lực tiêu thoát nước, gây nên mức lũ tăng đột biến ở một số nơi, gây ngập úng cho nhiều điểm dân cư. Bên cạnh đó, các tuyến đường chia cắt đất sản xuất, chia cắt nơi ở của nhân dân, gây khó khăn cho việc đi lại giữa các điểm dân cư.
Cùng quan điểm, TS Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, các tuyến đường đường cao tốc, ADB, các khu đô thị làm cho hướng thoát lũ lưu vực thay đổi so với trước đây, gây ngập lụt những vùng trũng, đặc biệt nơi có dân cư sinh sống ở Hòa Vang. TS Hùng dẫn chứng, đơn cử như các phân khu đô thị Golden Hills đã san nền 2 bờ sông Cu Đê làm thay đổi hướng dòng chảy từ hồ Hòa Trung về sông Cu Đê, làm giảm bề rộng thoát lũ của sông, khiến tăng ngập phía thượng lưu.
Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng, các dự án khu tái định cư bị xé nhỏ, khu biệt làm ảnh hưởng đến tổng thể chung cảnh quan. Ở nhiều nơi đường đã mở, mà cuộc sống phố phường thì chưa có, chưa tạo ra sức sống. Chất lượng sống của các cộng đồng dân cư chưa cao, chưa tạo được bản sắc, văn hóa và lối sống riêng cho cộng đồng này. Không ít công trình đơn điệu về ngôn ngữ kiến trúc, nhà chia lô cứng nhắc và có phần nhàm chán, làm xấu đi bộ mặt của vùng nông thôn Hòa Vang giàu truyền thống văn hóa.
Phát triển phải phù hợp ngưỡng môi trường
Ông Tô Văn Hùng cho biết, bên cạnh việc phục hồi, giữ gìn những gì đang có thì việc quy hoạch, định hướng phát triển tương lai có vai trò quyết định. Việc thiết kế các công trình, dự án, định hướng phải hài hòa với nguyên tắc của tự nhiên. Đặc biệt, phát triển đô thị ở mức phù hợp với ngưỡng của môi trường. PGS TS Hoàng Ngọc Tuấn cũng cho rằng cần phải định hướng các giải pháp về cao độ nền cho các khu vực quy hoạch đô thị mới trên địa bàn huyện Hòa Vang. Việc quy hoạch, thẩm định các dự án theo hướng không được xâm phạm, lấn chiếm hành lang thoát lũ trên các tuyến sông, suối, thậm chí phải ưu tiên quỹ đất mở rộng hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa, tăng diện tích hành lang xanh.
Hiện nay 6 quận nội thành đã không còn đất cho phát triển các dự án lớn, chưa kể hạ tầng được xây dựng đã không dành quỹ đất dự phòng cho việc mở rộng, do đó với quỹ đất thuận lợi cho xây dựng phát triển khoảng 9-10 ngàn ha thì Hòa Vang chính là nơi mở rộng không gian phát triển cho Đà Nẵng. Đây là quan điểm của KTS Hoàng Sừ, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng. KTS Hoàng Sừ cho rằng, 9-10 ngàn ha đất này dự trữ cho nhu cầu phát triển không chỉ của Hòa Vang mà cả thành phố.
Việc tiết kiệm tài nguyên đất phải được đặt lên hàng đầu trong việc quy hoạch phát triển Hòa Vang. Ngoài ưu tiên bố trí các ngành nghề kinh tế động lực thì cần xác định mô hình nào cho hệ thống đô thị, dân cư nhắm tới mục tiêu tiết kiệm đất đai cho thế hệ mai sau. Theo KTS Hoàng Sừ cần loại bỏ quy hoạch các khu đô thị sinh thái thấp tầng, bởi lãng phí đất đai, chỉ quan tâm giá trị bất động sản mà bỏ qua hầu hết các yếu tố xây dựng một xã hội bền vững cho người dân. Ngoại trừ khu vực nông thôn, các đơn vị ở mới, các đô thị của Hòa Vang cần lấy mục tiêu xây dựng các đô thị với mô hình "tự cân bằng" nhằm đảm bảo cân đối hài hòa các tiện ích công cộng và hạ tầng một cách bền vững trong tương lại xa, không gây tác động xấu cho tổng thể thành phố và môi trường.
HẢI QUỲNH