Bài học hòa bình
(Cadn.com.vn) - Việc Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Arab chào đón những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến kéo dài ở Syria là tấm gương phản chiếu bài học hòa bình cho các nước và nỗ lực đi đến con đường vốn rất xa xỉ với Trung Đông.
Giới phân tích cho rằng, nếu muốn giúp Syria, hãy cho người dân nước này tị nạn. Tuy nhiên, bài học này thường bị phương Tây bỏ qua dù đó là điều cần thiết cho việc khôi phục hòa bình ở Syria, cũng như Iraq. Lịch sử Trung Đông gắn liền với xung đột và bạo lực và được xem như là "bài học tiêu cực" đối với phần còn lại của thế giới. Nhưng... không phải chỉ như vậy.
Sau gần 4 năm nội chiến ở Syria, gần một nửa số người dân đã rời bỏ nhà cửa, hàng triệu người đi tìm cơ hội ở các nước láng giềng, đặc biệt là Lebanon và Jordan. Và các nước này không ngần ngại dang tay giúp đỡ. Tại Lebanon, người tị nạn Syria chiếm ¼ dân số. Tại Jordan, một trại tị nạn trở thành "thành phố" lớn thứ 4 của nước này. Đây cũng là hai quốc gia hiện có tỷ lệ người tị nạn cao nhất thế giới. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Ai Cập có hơn 1 triệu người Syria.
Trong nhiều trường hợp, người Syria sống với người dân địa phương hoặc ở nhà tạm hơn là sống trong các trại bị cô lập của các tổ chức cứu trợ quốc tế. Họ được đi học và được chăm sóc y tế. Một báo cáo mới đây nhất của LHQ công bố nguyên nhân chính đi đến thành công này: "Lòng mến khách là trung tâm của văn hóa Arab". Ở mức độ nào đó, đó là sự đồng cảm và lòng từ bi phát sinh từ thói quen chia sẻ với bạo lực và bất ổn trong nhiều thập kỷ của Trung Đông, cũng như mối quan hệ gia đình, thương mại, hay tôn giáo.
Đặc điểm văn hóa này - chào đón người lạ đến nước mình sinh sống - giúp ngăn chặn thảm kịch ở Trung Đông. Và sự hiếu khách, vốn cho là quan trọng hơn so với việc ăn ở, chính là "đối tượng đạo đức" bị giết chết ở Syria, đặc biệt là của các nhóm chiến binh tự đặt tên là IS.
Người tị nạn Syria nói với các nhân viên cứu trợ về lòng biết ơn đối với các nước chủ nhà. Lòng tốt chắc chắn sẽ được đền đáp khi nhiều gia đình Syria mở rộng nhà tị nạn cho những trẻ em không có người đi kèm theo. Họ nói rằng, sự hào phóng của mình giúp giảm sự căng thẳng của cuộc sống xa nhà. Trong chuyến thăm gần đây đến Lebanon, Cao ủy LHQ về người tị nạn Antonio Guterres, ca ngợi, nước này đang thiết lập ví dụ điển hình "của lòng hiếu khách và bảo vệ khách mà cả thế giới biết ơn".
Một thách thức tương tự đang diễn ra ở Nigeria, nơi các nhóm phiến quân Boko Haram buộc 300.000 người phải sơ tán. Tại thành phố Yola, gần nơi Boko Haram đang nỗ lực thiết lập một Nhà nước Hồi giáo (Caliphate), các hộ gia đình trung bình hiện nay có khoảng 30 người. Căng thẳng và bất bình sẽ tăng khi các cuộc xung đột trên tiếp tục kéo dài. Người tị nạn sẽ khiến người địa phương chịu gánh nặng tiền thuế trong khi thu nhập giảm đi. Nhiều người tị nạn thậm chí có thể nuôi dưỡng những kẻ khủng bố.
Muốn có giải pháp lâu dài, cả thế giới phải vinh danh cũng như giúp đỡ thêm cho những tấm gương phi thường giúp đỡ người tị nạn - trong nhiều năm qua. Nếu không, một ngày nào đó, lòng biết ơn sẽ chới với trong hòa bình.
Thanh Văn